Thời sự 10/05/2015 17:08

Cơn hoảng loạn của thị trường tài chính có nguy cơ tiếp diễn

Thị trường tài chính trong nước đang có những biến động rất bất thường, khiến dư luận lo lắng.

Giá ngoại tệ tăng vọt cả trên thị trường niêm yết của các ngân hàng lẫn thị trường tự do, mức giá USD đã tiếp cận giới hạn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây áp lực lên chính sách tỷ giá của Chính phủ. Thị trường chứng khoán suy giảm đột ngột, chỉ trong ngày đầu tiên sau nghỉ lễ, chỉ số VN-Index sụt giảm kỷ lục, tới 17 điểm. Trong ngày này, giá trị các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sụt giảm, cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính đang có nguy cơ tiếp diễn với mức độ mỗi ngày một trầm trọng hơn. Theo tin mới nhất, ngày 7-5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng thêm 1%.

Giá ngoại tệ và giá vàng đang chạy theo chiều trái ngược nhau

Giá USD tự do tại Hà Nội lúc đầu giờ sáng ngày 6-5 đã lên mức 21.650-21.660 đồng (mua vào) và 21.675-21.685 đồng (bán ra), cao hơn 20-30 đồng so với sáng hôm qua. Giá USD niêm yết tại các Ngân hàng Thương mại cũng tiếp tục tăng. Vietcombank báo giá USD ở mức 21.610 đồng (mua vào) và 21.670 đồng (bán ra), tăng 10 đồng so với hôm qua, đồng thời chỉ cách trần tỷ giá có 3 đồng ở chiều bán ra. Ngân hàng Eximbank thậm chí đã nâng giá USD niêm yết lên mức kịch trần 21.673 đồng ở chiều bán ra, trong khi giá mua vào là 21.610 đồng. 

Đợt tăng giá ngoại tệ kỳ này diễn ra quyết liệt trong lúc nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp không có gì bất thường, dự trữ ngoại tệ của đất nước đang ở mức cao, giá vàng trong nước chênh lệch thấp hơn trước so với giá vàng thế giới, buộc người ta nghĩ đến một cơn sóng đầu cơ do một thế lực tài chính mạnh đang nhằm vào thị trường tài chính Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu và cả các nhà tư vấn tại Ngân hàng HSBC lẫn Ngân hàng Thượng Hải đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ. Theo lý giải của họ, việc hạ giá đồng nội tệ không ảnh hưởng lớn đến giá trị nợ công vì hầu hết số nợ công là nợ có lãi suất ưu đãi với thời hạn vay dài và có khả năng vay lại. 

Đúng như dự báo, sáng ngày 7-5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng tăng thêm 1%. Như vậy dư địa điều chỉnh tỷ giá theo kế hoạch năm 2015 đã hết. Nếu từ nay đến cuối năm 2015 những biến động tỷ giá nếu có sẽ làm chúng ta vỡ kế hoạch quản lý tỷ giá theo chính sách tiền tệ đã được Quốc hội thông qua. Rõ ràng những biến động của thị trường tài chính mỗi ngày một phức tạp thêm. 

Giá vàng thế giới gần tái lập mốc 1.200 USD/oz nhưng giá vàng miếng trong nước gần như đi ngang trên ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do tiến sát mốc 21.800 đồng, giá USD ngân hàng cũng tiếp tục tăng và đã kịch trần ở một số nơi.

Ngày 6-5, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,04 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ ngày 5-5, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 20.000 đồng/lượng. 

Tại thị trường TP.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 34,98 triệu đồng/lượng và 35,04 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán. Từ đầu tuần tới nay, giá vàng SJC bán ra gần như chỉ đi ngang trên ngưỡng 35 triệu đồng/lượng, bất chấp giá vàng thế giới trong xu thế phục hồi.

Hiện giá vàng quốc tế đã tiến gần mốc 1.200 USD/oz để mất hồi tháng 4. Ngày 6-5, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á trên bảng giá trực tuyến của Kitco đứng ở 1.195,8 USD/oz, tăng 1,8 USD/oz so với giá đóng cửa phiên hôm qua tại New York. Đêm qua, giá vàng tăng 5,2 USD/oz, chốt ở 1.194 USD/oz. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới tiếp tục rút ngắn. So với giá quốc tế quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ ngày 6-5 đứng cao hơn 3,8 triệu đồng/lượng. Trong 3 ngày qua, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới rút ngắn 400.000 đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang tỏ ra “thờ ơ” không chỉ trước diễn biến của giá vàng thế giới mà cả tỷ giá USD/VND.

Thị trường chứng khoán chao đảo

Ngay sau ngày nghỉ lễ, phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày 4-5 đã làm các nhà đầu tư choáng váng. Sàn TP Hồ Chí Minh mất hơn 17 điểm trong phiên giao dịch 4-5, ghi nhận phiên giảm điểm kỷ lục trong gần một năm qua. Rung lắc mạnh trong thời gian giao dịch buổi chiều, cả hai sàn chứng khoán nhuộm trong sắc đỏ với nhiều cổ phiếu giảm hết biên độ. Vn-Index mất gần 17,32 điểm, xuống sát ngưỡng 545 điểm. Đây sẽ là phiên giảm mạnh nhất của sàn TP HCM kể từ ngày 12-5 năm ngoái.

Sau phiên hồi phục nhỏ ngày 5-5, sang ngày 6-5 kịch bản sụt giảm mạnh lại tiếp diễn. Một phiên bản nhẹ hơn chiều ngày 4-5 đã lặp lại, một phần do có cổ  phiếu dầu khí nâng đỡ. Tuy nhiên giá cũng rơi rất sâu ở hàng loạt mã và lần này thanh khoản kém hơn nhiều.

Trọn phiên 6-5 VN30-Index nằm dưới tham chiếu, một diễn biến khác hẳn VN-Index. VN30 đã khởi động một đợt bán rất mạnh và rốt cục ngay cả GAS hay PVD và một vài thời điểm là “chiêu” khớp 10 cổ MSN, VNM cũng không thể cứu được điểm số nữa. Điều quan trọng nhất là có quá nhiều cổ phiếu giảm giá so với số tăng và GAS, PVD cũng chỉ là một phần nhỏ.

Thực ra, cả GAS và PVD cũng giảm 1-2 bước giá so với cuối phiên sáng, dù vẫn tăng. Phần còn lại là hàng chục cổ phiếu blue-chips hạng nặng khác giảm. Ảnh hưởng đầu tiên là nhóm ngân hàng, lần này không thể nào gượng dậy được nữa bất chấp nhà đầu tư nước ngoài mua như “vãi đạn”. VCB giảm 0,27%, CTG giảm 0,56%, BID giảm 1,11%, EIB giảm 2,4%, MBB giảm 0,74%, STB giảm 2,29%, SHB giảm 1,23%.Sàn HNX, các mã dầu khí là PVS tăng 1,19%, PVB tăng 1,68%, PGS tăng 0,51%, PVC tăng 0,92%. VN-Index chỉ giảm 1,06% so PVS được tính đầy đủ vốn hóa, trong khi HNX30 giảm 1,35%.

Đây là những biến động đáng theo dõi bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. 

Theo Phan Đức

ANTĐ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *