Thời sự 24/01/2015 23:06

Cổ phiếu nhiều ngân hàng chịu áp lực bán ra do Thông tư 36

FICA - Cụ thể, khoảng 10%-19,5% cổ phiếu MBB và 3,2%-8,2% EIB bị bán ra. Thời hạn chuyển tiếp cho quy định này là 1 năm kể từ 1/2/2015. Ngoài ra, nếu thông tư 36 được tiến hành triệt để, các quy định hạn chế vấn đề sở hữu chéo sẽ tạo áp lực thoái vốn lên nhiều cổ phiếu ngân hàng từ các đối tượng có liên quan.

Tại báo cáo triển vọng ngành vừa công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, triển vọng ngành ngân hàng sẽ phần nào tích cực hơn trong năm 2015, khi tăng trưởng kinh tế dự báo tích cực hơn cùng lúc một loạt các quy định chặt chẽ với hệ thống ngân hàng được chính thức thi hành.

Các quy định này kỳ vọng sẽ lành mạnh hóa hệ thống, đưa ra các chỉ báo tin cậy hơn về bức tranh toàn ngành, để nợ xấu không còn là mối lo tiềm ẩn, đồng thời góp phần phân bổ vốn hợp lý hơn cho nền kinh tế.

BSC cũng cho rằng thời điểm khó khăn nhất của hệ thống đã qua và các vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ dần được giải quyết; dẫn tới đánh giá lạc quan hơn vào triển vọng của ngành Ngân hàng 2015.

Theo BSC, lợi nhuận một số ngân hàng sẽ cải thiện rõ rệt trong năm tới. Chỉ các ngân hàng đã tiến hành trích lập dự phòng cũng như phân loại nợ theo tiêu chuẩn thông tư 02 và 09 trong năm 2014 mới có kết quả kinh doanh tích cực. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa phân loại và trích lập theo quy định.

Lợi nhuận dự báo giảm tại các ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán cao. Cụ thể, các ngân hàng có lịch sử cho vay đầu tư cổ phiếu vượt mức 5% vốn điều lệ như EIB, SHB, MBB đồng thời đều là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3% sẽ phải giảm hoặc thậm chí ngừng cấp tín dụng cho vay đầu tư lĩnh vực này theo quy định của thông tư 36.

Chi phí dự phòng tăng tại các ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn. Các khoản dự phòng này nhiều khả năng chưa được trích lập đầy đủ trong năm 2014 và dự báo sẽ được tiến hành trong năm tới theo quy định của Thông tư 02.

Ngoài ra, định hướng tăng trưởng tín dụng 2015 là 13%-15%, cao hơn 1% so với định hướng năm 2014. Theo BSC, kỳ vọng lớn nhất là sự hồi phục của các ngành sản xuất sau khi giá dầu giảm mạnh và sự trở lại của thị trường bất động sản với các gói cho vay ưu đãi. Kinh tế hồi phục thì ngân hàng sẽ là ngành được hưởng lợi đầu tiên, nhưng cũng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo khó hạ thấp hơn nữa trong năm tới.

Vốn ra nền kinh tế sẽ chọn lọc hơn, đặc biệt là vốn phục vụ kinh doanh cổ phiếu. Theo TT 09, các TCTD phải xếp hạng tín dụng nội bộ một cách thống nhất theo kết quả xếp hạng CIC, khiến các doanh nghiệp đã xếp hạng nợ xấu ở ngân hàng này rất khó vay vốn ở ngân hàng khác.

Mặt khác, thông tư 36 giới hạn cho vay kinh doanh cổ phiếu về 5% và hạ hệ số rủi ro cho vay bất động sản về 150% sẽ thúc đẩy cho vay kinh doanh cổ phiếu và bất động sản tại nhiều ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt (tỷ lệ nợ xấu dưới 3%) hiện có ít khẩu vị cho vay lĩnh vực này mà không chịu nhiều áp lực đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) so với trước đây.

Các xu hướng trong năm tới

BSC cho rằng, hệ thống trong sạch hơn khi các ngân hàng yếu kém được xử lý mạnh tay và hiệu quả hơn.

Thứ nhất, hoạt động tái cấu trúc ngành mà phổ biến nhất là M&A sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm tới – năm cuối cùng trong “Đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng 2011-2015”. Đặc biệt là vai trò đi đầu của các NHTMCP nhà nước với quy mô vốn lớn nhất ngành gồm BID, VCB và CTG, góp phần hỗ trợ các ngân hàng yếu và đẩy mạnh quy mô hoạt động cho toàn ngành.

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua lại cổ phần các ngân hàng yếu kém vượt mức 30% sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, đồng thời Luật Phá sản cho phép loại bỏ các ngân hàng thực sự không có khả năng tái cấu trúc khỏi hệ thống.

Mục tiêu giảm nợ xấu toàn hệ thống dưới 3% là khả thi do VAMC dự báo năng động hơn. Để giải quyết nợ xấu một cách triệt để, NHNN nhiều khả năng sẽ ra các quy định mới cho phép VAMC xử lý nợ xấu linh hoạt hơn, ít chịu tác động từ các TCTD, thúc đẩy việc bán lại các khoản nợ đã mua.Với tốc độ bán nợ gần đây của các ngân hàng cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng có thể đạt 3% vào cuối 2015.

Basel II được triển khai thí điểm ở 10 ngân hàng từ năm 2015 nâng cao yêu cầu về vốn.Việc triển khai Basel II sẽ từng bước giúp ngân hàng Việt Nam phát triển bền vững hơn theo chuẩn quốc tế, buộc các ngân hàng củng cố lượng vốn tự có.

Cũng theo BSC, áp lực thoái vốn theo quy định sở hữu tại thông tư 36 sẽ khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng bị bán ra. Cụ thể, khoảng 10%-19,5% cổ phiếu MBB và 3,2%-8,2% EIB bị bán ra. Thời hạn chuyển tiếp cho quy định này là 1 năm kể từ 1/2/2015. Ngoài ra, nếu thông tư 36 được tiến hành triệt để, các quy định hạn chế vấn đề sở hữu chéo sẽ tạo áp lực thoái vốn lên nhiều cổ phiếu ngân hàng từ các đối tượng có liên quan.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *