Thời sự 01/11/2013 08:06

Chênh lệch lãi suất cao để ngân hàng xử lý nợ xấu?

"Việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại không dùng nguồn lực thực mà cho phép NHTM thời gian 5 năm. Ngân hàng dùng lợi nhuận trong tương lai để trả. Sức ép có lợi nhuận khiến chênh lệch lãi suất cao", TS Nguyễn Xuân Thành, GĐ chương trình Fulbright cho biết tại tọa đàm về chính sách tiền tệ diễn ra ngày 30/10.

Chênh lệch lãi suất: Chuyên gia nói cao, ngân hàng nói thấp
 
 
Ông Nguyễn Xuân Thành nói: “Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, lãi suất tiền gửi bình quân là 7%, lãi suất cho vay 11-12%, chênh lệch 5-6% là rất cao. Trong thời kì bình thường chênh lệch là 3-4%”.
 
 
Đồng tình với TS Nguyễn Xuân Thành, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), dẫn lại một khảo sát gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, qua khảo sát 8 ngân hàng lớn, mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay khoảng 4,3% - 4,5%/năm, có một số ngân hàng cao nhất là 5%.
 
 
TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phản bác hai ý kiến trên và đưa ra một con số thấp hơn rất nhiều.
 
 
“Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm. Không thể tính chênh lệch lãi suất một cách đơn giản là lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm để ra con số ngân hàng thu 6%/năm”, ông Phước tính toán.
 
 
 
 
 Sức ép có lợi nhuận khiến chênh lệch lãi suất ở mức cao.
 
 
 
 
 
Theo ông Phước, mức chênh lệch lãi suất theo cách tính của TS Nguyễn Xuân Thành và TS Lê Xuân Nghĩa chưa trừ các chi phí hành chính, trả lương nhân viên, chi phí quản lý… 
 
 
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước viện dẫn mức chênh lệch lãi suất trong các ngân hàng của Trung Quốc là 4% để khẳng định, chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra ở các NH Thương mại hiện nay là 2,5-3%, khó có thể thấp hơn. Theo ông Hòe, đây là con số hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
 
 
Chênh lệch cao để xử lý nợ xấu?
 
 
Lý giải về việc chêch lệch lãi suất cao, TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc xử lý nợ xấu cho ngân hàng thương mại không dùng nguồn lực thực mà cho phép NHTM thời gian 5 năm. Ngân hàng dùng lợi nhuận trong tương lai để xử lý nợ xấu, sức ép ngân hàng có lợi nhuận khiến chênh lệch lãi suất cao để có đủ lợi nhuận xử lý nợ xấu. 
 
 
 “Áp lực về lợi nhuận khiến mức chênh lệch lãi suất cao. Cách biệt giữa lãi suất tiền gửi và cho vay ở mức cao nhất từ trước đến nay”, ông Thành nói.
 
 
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Xuân Thành, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, những ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC sẽ phải chịu những áp lực về nguồn thu nên điều chỉnh để lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay tăng, khiến chênh lệch lãi suất cao. 
 
 
Nếu lãi suất bình quân đầu vào ngân hàng 7%, lãi suất đầu ra 13% thì mức chênh lệch 6% là bất hợp lý và nếu tiếp tục sử dụng mức chênh lệch này thì các ngân hàng sẽ không tồn tại được lâu.
 
 
“Tuy nhiên, sau khi trừ dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động… chêch lệch lãi suất còn khoảng 3%. Ở Mỹ, chêch lệch lãi suất 3%, ngân hàng có thể hoạt động khỏe, nhưng ở Việt Nam con số này chưa phù hợp”, ông Hiếu nói.
 
 
Cũng có mặt tại buổi hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN nhận định, con số về chênh lệch tiền gửi và tiền vay của các ngân hàng thương mại theo các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm rất đang lưu lý. Theo ông Tú, ngân hàng Nhà nước cũng có thống kê, đánh giá khá đầy đủ và rất sát thực tế về vấn đề này. 
 
 
Theo Nguyên Thảo
Đất Việt
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *