Thời sự 15/02/2018 12:23

Bộ trưởng Tài chính: Thuế giảm thì không ai nói gì, còn tăng thì rất căng

Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp bước sang năm mới, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ về việc kết quả điều hành tài chính trong một năm qua cũng như những việc cần tập trung làm ngay trong năm mới…

Thứ Năm, 15/02/2018 - 08:00

Bộ trưởng Tài chính: Thuế giảm thì không ai nói gì, còn tăng thì rất căng

Dân trí Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp bước sang năm mới, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ về việc kết quả điều hành tài chính trong một năm qua cũng như những việc cần tập trung làm ngay trong năm mới…
 >> Không thể giấu được nữa, Bộ Tài chính đề xuất: Sẽ công bố giá cơ sở đối với xăng A95
 >> Vấp phản ứng vì không công bố giá xăng RON 95, Bộ Tài chính lên tiếng
 >> Bộ Tài chính bị chê "lỗi thời" khi ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe Hybrid

Bộ trưởng Tài chính: Tôi nghe anh em báo cáo có người đi phỏng vấn ông xích lô về thuế thu nhập cá nhân...
Bộ trưởng Tài chính: Tôi nghe anh em báo cáo có người đi phỏng vấn ông xích lô về thuế thu nhập cá nhân...

Ngân sách vượt thu, nợ công bớt áp lực

Còn nhớ tại nhiều cuộc họp năm 2016, vấn đề nợ công và bội chi được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc đến như một vấn đề rất nan giải.

Thậm chí, ông Dũng từng ví vón "điều hành ngân sách như đi trên dây". Áp lực về chi tiêu của chúng ta quá lớn khi điều kiện nguồn lực của chúng ta hạn hẹp. Và đặc biệt, khi bản tin nợ công được công bố với số nợ lên tới hơn 1,8 triệu tỷ đồng không khỏi khiến người giữ "túi tiền quốc gia" cảm thấy "đau đầu".

Khi đề cập đến những vấn đề đó trong năm 2017, nỗi lo của Bộ trưởng vẫn còn những đã có phần "giãn ra", "dễ thở" hơn. Ông Dũng nói: Các giải pháp đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Có thể nói, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây.

Người đứng đầu Bộ Tài chính còn cho hay, lúc này, chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao. Do vậy, ông đã đề nghị Chính phủ, địa phương thận trọng hơn khi đề xuất vay.

Cũng theo ông Dũng, bội chi được kiểm soát trong kế hoạch Quốc hội cho phép (3,48% GDP). Như vậy, 2017 là năm đầu tiên trong nhiều năm qua mức bội chi được kiểm soát trong dự toán Quốc hội giao.

"Chưa năm nào, bội chi ở mức này. Năm nay bôi chi thấp mà tăng trưởng kinh tế cao, nên đưa nợ công giảm còn 61,3%, giảm được 2% so với 2016", ông Dũng chia sẻ.

Một thông tin khả quan khác cũng được ông Dũng cho biết đó là thu ngân sách vượt trên 1 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao 5,2% (tương đương 71.000 tỷ đồng), tăng hơn 11% so với năm 2016. Trong đó, thu nội địa ước đạt 969.458 tỷ đồng. Vuợt 4,2% dự toán, tăng cao hơn cùng kỳ 11%.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận bội chi mặc dù trong giới hạn xong vẫn còn cao khiến ngân sách méo mó. Trong khi đó, chi thường xuyên tăng, còn chi đầu tư giảm…

Thuế giảm không thấy ai nói gì, tăng thì rất căng thẳng

Là người có 5 năm đảm nhiệm việc giữ "túi tiền quốc gia", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngân sách phản ánh tình hình kinh tế của đất nước. Áp lực về chi tiêu của chúng ta quá lớn, trong điều kiện nguồn lực của chúng ta hạn hẹp.

Đây là vấn đề quan trọng, nhưng yêu cầu đặt ra của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, và an toàn nợ công. Đó là những cân đối lớn, và cân đối ngân sách là một trong những cân đối vĩ mô lớn nhất của Việt Nam.

Đề cập tới phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Dũng nói sẽ "rất nhiều việc". Trong đó có một việc quan trọng cần làm ngay đó là tập trung hoàn thiện pháp luật về tài chính.

Người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ tập trung tái cơ cấu chính sách thu, đảm bảo nguồn thu bền vững. Việc này được diễn ra trong điều kiện khá khó khăn khi nguồn thu từ dầu thô đang giảm dần.

Cụ thể, nếu năm 2012, 2013, thu từ dầu thô chiếm tới hơn 20% tổng thu ngân sách thì con số này năm 2017 chỉ còn chưa tới 5%. Trong khi đó, Việt Nam đang thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế. Từ 1/1/2018, riêng 90 dòng thuế của ASEAN về 0%.

"Chúng ta buộc phải chuyển chính sách tập trung thu vào nội địa. Năm 2017, thu nội địa chiếm tới 83% tổng thu ngân sách", ông Dũng cho biết đây là con số cao, nhưng để hướng tới con số 85% tổng thu ngân sách thì việc tái cơ cấu thu nội địa cần được đẩy mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Dũng cho biết "việc cần làm ngay" đó là Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp thẩm quyền điều chỉnh chính sách, cụ thể sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội một Luật sửa 6 luật về thuế.

Trong quá trình nghiên cứu sửa luật này, Bộ trưởng cho biết rất mong các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng Bộ cũng như hai bên cần có sự trao đổi kỹ lưỡng hơn. Ông Dũng cho hay thời gian qua rất nhiều tờ báo đã khai thác về chủ đề này.

Đáng lưu ý, một chia sẻ thú vị từ người đứng đầu Bộ Tài chính: "Tôi nghe anh em báo cáo có người đi phỏng vấn ông xích lô về thuế thu nhập cá nhân thì không hiểu ra thế nào".

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng "than": Bộ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, qua đó giảm rất nhiều để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng "ít thấy được các chuyên gia hay báo chí lên tiếng đề cập tới".

"Trong khi đó, tăng thì rất là căng thẳng", ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng khẳng định "một luật sửa nhiều luật" là vấn đề rất hệ trọng. Bản thân Bộ không ngừng cố gắng, "đang cố chạy". Nhưng quá trình đó theo ông Dũng cũng không khỏi "vướng" những khó khăn bởi số lượng luật phải làm là quá lớn.

Thậm chí, một năm một vụ thuộc Bộ Tài chính làm bằng cả một Bộ làm cả nhiệm kỳ. "Nhiều khi rất áp lực nên nói thì nói, cũng cần phải chia sẻ với các anh em", ông Dũng nói.

Trong cuộc trò chuyện, ông Dũng cũng đề cập tới một việc ông cho "rất hệ trọng" đó là sẽ thảo luận đánh giá lại chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay. Bởi vì việc ưu đãi còn diễn ra phân tán, vừa theo địa bàn lại vừa theo lĩnh vực, ngành nghề…Giờ mới chỉ là ý tưởng nhưng việc này cần sớm được triển khai.

Theo ông Dũng, khi ưu đãi tràn lan, phân tán thì khả năng tiếp cận của doanh nghiệp trong nước chúng ta rất thấp. Ngoài ra cũng cần đánh giá lại tiêu chí về địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. "30 năm đổi mới rồi mà tiêu chí vẫn vậy", ông Dũng bùi ngùi.

Ông Dũng kể chuyện vui: "Tôi có nói với Chủ tịch Quảng Nam rằng các ông hơn hẳn Hà Nội. Hà Nội đang khổ tắc đường. Lên Thái Nguyên cũng vậy, giờ cũng rất thuận tiện. Do vậy giờ tiêu chí khó khăn và đặc biệt khó khăn cần được xem xét lại".

Theo người đứng đầu ngành tài chính, sau 30 năm đổi mới đất nước đã rất nhiều thay đổi, nếu không xem xét, rà soát lại thì vô hình chung chính chúng ta làm giãn thêm khoảng cách giàu nghèo

"Còn nhiều việc nữa cũng cần phải làm. Tôi tin với nỗ lực trong ngành và hỗ trợ của Chính phủ chúng tôi sẽ có thể thực hiện tốt. Cần nghiêm túc đánh giá lại thay đổi tư duy để điều hành cho đúng. Tăng trưởng kinh tế nói 6,7%, 6,8%, hay 6,9% cũng được nhưng nó ở đâu? Ngân sách thì tiền tươi thóc thật thiếu một đồng là mất cân đối ngay", ông Dũng chia sẻ.

Kết thúc câu chuyện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhắc lại năm 2018 "rất nhiều việc". Ông hy vọng bước vào tâm thế mới, năm nay Việt Nam đạt được nhiều thành công to lớn hơn. Song song với những nỗ lực về chuyên môn, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định sẽ mở rộng tuyên truyền hơn để đẩy mạnh đưa thông tin đến người dân. Từ phía Bộ, các quyết sách cũng sẽ được thực hiện một cách "kín kẽ" hơn. "Nếu đưa ra vội vàng quá mà chưa đến nơi đến chốn sẽ khiến dư luận xã hội hiểu không rõ, không tốt", ông Dũng chia sẻ.

Còn nhớ, trả lời báo giới sau khi tái đắc cử Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, bây giờ mình đã tự tin hơn và tiếp tục tinh thần không ngại khó.

Bước sang năm mới, hy vọng bức tranh tài chính quốc gia sẽ ngày càng nhiều điểm sáng. Để đạt được như vậy đó là câu chuyện chung của cả hệ thống nhưng cũng thử thách vô cùng lớn đặt lên vai ông Đinh Tiến Dũng và đồng sự trong thời gian tới.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *