Thời sự 27/10/2015 13:08

Bộ Tài chính từ chối giảm thuế cho ngân hàng sau sáp nhập

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm thuế cho các ngân hàng sau khi mua lại, nhận sáp nhập các tổ chức tín dụng khác là không đúng quy định và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
 

Trao đổi về đề xuất miễn, giảm thuế từ các ngân hàng sau khi mua lại, nhận sáp nhập một số tổ chức khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Không có chuyện xoá nợ thuế cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu”.

 

Theo ông Tuấn, các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, do đó, không có lý do gì Nhà nước phải có hỗ trợ về thuế. Mặt khác, hiện luật pháp Việt Nam và các thông lệ quốc tế cũng không cho phép việc này.

“Đây là những nghiệp vụ kinh doanh bình thường của ngân hàng. Nếu có giảm thuế, cơ quan thuế chỉ xem xét không thu thuế cho trường hợp ngân hàng bán tài sản đảm bảo là nợ xấu nhưng âm hoặc hoà vốn”, ông Tuấn nói.

 

Tuần trước, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB;

 

Đồng thời, SHB xin miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm 2016 và 2017 (trong đó 50% thuế được miễn theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB, 50% thuế được miễn sau khi nhận sáp nhập VVF)…

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đề xuất những ưu đãi về thuế sau khi tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức tín dụng qua hình thức mua bán, hợp nhất, sáp nhập. Trong đó, Ngân hàng Quân đội (MB) xin miễn, giảm thuế 5 năm đầu cho công ty tài chính sau sáp nhập, giảm 20% thuế thu nhập trong 3 năm đầu cho ngân hàng mẹ.

Hoặc như Công ty tài chính PVFC cũng xin miễn thuế thu nhập trong 3 năm sau khi hợp nhất và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo sau khi hợp nhất với Ngân hàng Phương Tây (Western Bank).

 

Mới đây, để giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào Luật Quản lý thuế quy định cụ thể xóa nợ của người nộp thuế trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu… Số thuế phải xóa ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

 

Lý giải về đề xuất trên, ông Tuấn cho hay: Sau khi thảo luận xong, Bộ đã quyết định việc xoá nợ sẽ không đưa vào sửa luật mà đưa vào nghị quyết, trong đó chỉ tập trung xoá nợ nhằm thúc đẩy tái cơ cấu lại DNNN.

 

"Mình có con gái thì phải trả nợ cho nó còn lấy chồng hoặc gả chồng xong rồi thì nếu có nợ nần gì trước đó thì cũng trả cho xong!”, ông Tuấn ví von.

 

Ông phân tích cụ thể, chỉ có 2 đối tượng được xoá nợ thuế là: những doanh nghiệp đã trong danh sách cổ phần hoá có nợ thuế nhưng lỗ luỹ kế lớn dẫn tới âm vốn chủ sở hữu và đối tượng đã cổ phần hoá nhưng chưa đưa khoản nợ thuế vào tính toán trong quá trình cổ phần.
 

“Doanh nghiệp đang nợ thuế thì xin xoá để còn có vốn chủ sở hữu dương mà cổ phần hoá, chứ không chỉ còn nước phá sản thôi, bán làm sao được. Còn đối tượng đã cổ phần hoá rồi, với khoản nợ thuế không nằm trong giá trị sau cổ phần hoá thì không thể bắt cổ đông sau họ chịu được nên cũng phải xoá”, ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *