Thời sự 22/03/2015 15:30

Bị kêu lờ cho vay gói 30.000 tỷ, nhà băng hối hả "làm hàng"

Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đang giải ngân quá chậm khiến Chính phủ hết sức sốt ruột. Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này.

Bị kêu lờ cho vay gói 30.000 tỷ, nhà băng hối hả "làm hàng"

TPBank mới giải ngân được 2 hồ sơ vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng

Tính đến giữa tháng 1/2015, tổng số tiền mà các ngân hàng này giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sau gần 2 năm mới đạt 4.882 tỷ đồng, tức mới đạt hơn 16%.  Với tiến độ trên, chắc chắn việc giải ngân gói tín dụng này sẽ không đạt mục tiêu đề ra ban đầu là sẽ hoàn thành giải ngân vào 1/6/2016, sau đúng 3 năm triển khai (1/6/2013).

Sốt ruột trước tình trạng này, đầu năm 2015 vừa qua, NHNN đã cho phép thêm 10 ngân hàng thương mại tham gia giải ngân gói tín dụng này, đồng thời mở rộng đối tượng vay vốn. Theo đó, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động được vay vốn để mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp và xây, sửa chữa nhà (Thông tư 32/2014/TT-NHNN).

Tuy nhiên, dù chính sách mới đã được ban hành và có hiệu lực từ cuối năm 2014 song đến nay, nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai.

Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/1/2015, mới chỉ có 5 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB) là đã giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Còn lại, 10 ngân hàng TMCP khác chưa hề giải ngân đồng vốn nào, tiêu biểu là VPBank, TPBank, PVcombank, Eximbank, SHB, OCB…

Theo phản ánh của các khách hàng vay vốn, tới tận đầu tháng 3 này, khi khách hàng hỏi vay từ gói 30.000 tỷ đồng để xây mới, sửa nhà, nhiều ngân hàng… đều lắc đầu.  Các nhân viên ngân hàng cũng khéo léo “lái” khách hàng sang vay các gói tín dụng thương mại ưu đãi không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng TMCP đăng ký tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ là để “làm hàng” chứ thực chất không mặn mà cho vay vì lợi nhuận thu về từ gói tín dụng thấp hơn nhiều so với các gói vay thương mại.

Trước sự chậm trễ của việc giải ngân gói tín dụng trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu NHNN, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 61 của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu về nhà ở tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, thời hạn phù hợp.

Cùng với đó phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá cụ thể kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 61 của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở; trên cơ sở đó hoàn thiện lại nội dung chương trình hỗ trợ nguồn vốn thực hiện việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Tiếp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các  BIDV làm đầu mối phối hợp các NHTM nhà nước hoàn thiện lại nội dung chương trình hỗ trợ nguồn vốn thực hiện việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các NHTM nhà nước.

Trong đó, tập trung làm rõ các nội dung về đối tượng áp dụng, lãi suất và thời hạn vay, nguồn vốn hỗ trợ, đảm bảo không trùng lắp với các chương trình đang thực hiện, hạn chế việc lợi dụng chính sách của Nhà nước để đầu cơ, trục lợi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Trước sự thúc giục liên tiếp của Chính phủ, các ngân hàng khối cổ phần vừa qua đã bắt đầu rục rịch triển khai chương trình.

Cụ thể, ngân hàng SHB cho biết, từ  ngày 2/3/2015, Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB) chính thức triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi.  Mức lãi suất áp dụng cho vay của SHB năm 2015 là 5%/năm. Thời gian áp dụng lãi suất vay ưu đãi lên đến 15 năm đối với khách hàng mua nhà ở thương mại và 10 năm đối với khách hàng xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở từ thời điểm khách hàng giải ngân lần đầu tiên.

TPBank cũng cho biết đã tiếp nhận một số hồ sợ và bước đầu đã giải ngân 2 hồ sơ. Đại diện ngân hàng này giải thích, sở dĩ TPBank chưa giải ngân được gói 30.000 tỷ đồng mấy tháng đầu năm là do thời điểm này, người dân “kiêng cữ việc vay mượn”!.

Được biết, ngoài sự thiếu nhiệt tình của một số ngân hàng thương mại, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn giải ngân chậm do vướng mắc rất nhiều thủ tục, đặc biệt là việc xin xác nhận tại chính quyền địa phương.

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *