Doanh Nhân 08/03/2014 13:17

Tân CEO ngân hàng Quốc Dân: Thành công trong công việc không phải là tất cả

FICA - Là CEO của một ngân hàng, bà Trần Hải Anh vẫn đều đặn đưa con đi học và chuẩn bị những bữa cơm cho gia đình. Tân CEO của ngân hàng Quốc Dân cho rằng, công việc chỉ là một phần trong cuộc sống, không nên quá chú trọng công việc mà quên những giá trị sống khác

 "Các bạn hãy yêu và chăm sóc bản thân mình, khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ mang lại nụ cười cho những người xung quanh"

Năm 2013 là một năm đầy biến động của Ngân hàng thương mại cổ phần ngân hàng Nam Việt (hiện đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB). Đầu năm 2014, NCB đã bổ nhiệm bà Trần Hải Anh vào vị trí Tổng Giám đốc (CEO), sau hơn 8 tháng vị trí này để trống. 

Tân nữ CEO của NCB cũng là 1 trong 3 nữ CEO* trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Fica.vn đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Hải Anh về định hướng sắp tới của NCB cũng như những bí quyết cân bằng cuộc sống của một nữ CEO ngân hàng.

Cổ đông mới gia nhập, NCB chuyển hướng ra Bắc


Chúc mừng bà vừa được bổ nhiệm vị trí CEO của ngân hàng Quốc Dân. Bà có thể chia sẻ cảm xúc khi đảm nhiệm "ghế nóng" tại một ngân hàng hiện đang nằm trong quá trình tái cấu trúc và từng nằm trong danh sách 9 ngân hàng bắt buộc tái cấu trúc?

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) được thành lập năm 1995 và đã phát triển mạng lưới rất nhanh với 91 chi nhánh và điểm giao dịch trên toàn quốc với 1600 nhân viên. Tuy nhiên trong quá trình phát triển nhanh chóng đã bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác quản trị, quản lý nên cần phải tái cơ cấu. Chúng tôi đã bắt đầu tham gia vào đề án tái cơ cấu NCB từ cuối năm 2012, đến tháng 6/2013, đề án đã được Ngân hàng nhà nước phê duyệt, cho phép NCB tự tái cấu trúc.

Đến cuối năm 2013, quá trình tái cấu trúc đã đạt được những hiệu quả bước đầu như tài sản tăng 26%, dư nợ quá hạn 2013 giảm 16% so với cuối năm 2012, lợi nhuận tăng 90% so với năm trước. Cơ cấu cổ đông và ban điều hành thay đổi nhằm tăng cao năng lực quản trị điều hành.  

Nhận nhiệm vụ CEO lúc này là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tôi cho rằng tuy còn nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội cho một ngân hàng quy mô còn nhỏ như NCB có thể phát triển thành một ngân hàng tốt hơn, hiệu quả hơn.

NCB đã có những thay đổi rất lớn trong cơ cấu cổ đông, thay tên, đổi trụ sở...trong năm qua. Bà có thể chia sẻ một vài định hướng quan trọng của NCB trong những năm tới?

Trong năm ngoái, 5 thành viên Hội đồng quản trị Navibank từ nhiệm, trong đó có ông Lê Quang Trí đồng thời là Tổng giám đốc. Hai Phó Tổng giám đốc khác là ông Nguyễn Hồng Sơn và Cao Kim Sơn Cương cũng từ chức.

Ông Vũ Hồng Nam, người vừa được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị.

Về cơ cấu cổ đông, ông Đặng Thành Tâm và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã bán nốt hơn 25,5 triệu cổ phiếu (tương ứng 8,49% cổ phần) và không còn sở hữu bất cứ cổ phiếu NVB nào. Hiện vẫn chưa có thông tin về bên mua.

Trong gần 1 năm qua, NCB có những thay đổi rất lớn, đặc biệt là sự góp mặt của những cổ đông mới. Các cổ đông mới cùng một số chuyên gia tư vấn đã hỗ trợ NCB trong việc xây dựng lại bộ máy, chuẩn hóa lại phương cách điều hành ngân hàng và xây dựng chiến lược phát triển mới.

Chúng tôi đã quyết định đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân để lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, xây dựng một ngân hàng của cộng đồng và gắn liền với giới trẻ.

Định hướng chiến lược của NCB tập trung vào bán lẻ và chúng tôi hiểu rằng vị thế của NCB còn rất khiêm tốn nên không thể làm tràn lan tất cả lĩnh vực mà sẽ tập trung vào một số ngách chuyên biệt để tạo khác biệt so với những ngân hàng khác. NCB sẽ tập trung tài trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình có quy mô doanh thu dưới 500 tỷ một năm.

Hiện nay, NCB đang có mạng lưới chi nhánh mạnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TPHCM, trong khi đó tại miền Bắc mạng lưới còn mỏng. Vì vậy, HĐQT quyết định chuyển trụ sở ra Hà Nội để tận dụng kinh nghiệm và năng lực đã có của cổ đông mới, mở rộng mạng lưới kinh doanh phía Bắc.  

Tuy vậy, các chi nhánh Miền Nam, đặc biệt là TPHCM vẫn giữ vị trí số một trong NCB về doanh thu, lợi nhuận cũng như số lượng các bộ nhân viên.

Đã từng là Phó Chủ tịch của một ngân hàng trước khi về được bổ nhiệm vào vị trí "ghế nóng" của NCB, theo bà vị trí nào vất vả hơn?

Tham gia ngành tài chính ngân hàng, tôi đã trải qua các vị trí là phó Giám đốc, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách phía Bắc, thành viên HĐQT… Trong suốt 10 năm qua theo tôi vị trí nào cũng quan trọng và để làm việc hiệu quả thì vị trí nào cũng cần có sự cố gắng và nỗ lực rất lớn.  

Ở vai trò Phó chủ tịch HĐQT, tôi phụ trách một mảng công việc cụ thể nhưng vẫn gắn chặt với điều hành. Tuy nhiên khi làm CEO, phải trưc tiếp tham gia công việc điều hành hàng ngày chắc chắn sẽ đòi hỏi thời gian và công sức nhiều hơn.

Thành công trong công việc không phải là tất cả

Ngay từ khâu thi tuyển, nữ giới phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn nam giới rất nhiều và họ cũng ít cơ hội thăng tiến hơn so với các đồng nghiệp nam. Điều này có xảy ra tại NCB hay không? Là một CEO nhưng cũng là một phụ nữ, liệu bà có dành cho các nhân viên nữ của mình những ưu tiên nhất định?

Thực ra trong những ngành khác, chúng ta thấy rằng nam giới có những ưu thế nhất định nhưng trong những ngành đặc biệt như tư vấn, kế toán hay ngân hàng thì ngược lại, nữ giới có ưu thế hơn. Nam giới có thế xốc vác, phù hợp việc phát triển kinh doanh, nữ giới lại làm rất tốt công việc dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

Là phụ nữ, tôi có thiện cảm và ưu ái nữ giới là đương nhiên, nhưng với cương vị CEO, việc chọn đúng người, đúng việc là ưu tiên hàng đầu.

Trong cơ cấu nhân lực của ngành ngân hàng, nữ giới chiếm chủ yếu. Tuy nhiên, rất ít lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng là nữ. Dường như phụ nữ đang "lép vế" với nam giới tại các ngân hàng?

Tôi không nghĩ như vậy, có thể kể ra rất nhiều nữ lãnh đạo thành công trong lĩnh vực ngân hàng. Đã có những vị phó thống đốc NHNN hay giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nuớc là nữ rất nổi tiếng. Một số các ngân hàng cố phần đang phát triển rất tốt đều do phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao. Tôi không thấy có bất kỳ sự “lép vế” nào ở đây.

Đảm nhận vị trí CEO của một ngân hàng, nhưng bà cũng là một người vợ, một người mẹ. Bà có thể bật mí một vài bí quyết để cân bằng giữa cuộc sống và sự nghiệp?

Tham gia lĩnh vực ngân hàng nhiều năm, tôi hiểu rằng công việc ngân hàng rất bận rộn, áp lực công việc lớn, đòi hỏi một sự chú tâm liên tục. Tuy nhiên, tôi đã xây dựng đuợc cho mình cách sống phù hợp.

Duy trì việc đưa con đi học, gắn bó chia sẻ những vấn đề của chúng, chuẩn bị những bữa cơm gia đình đã mang lại sự cân bằng rất lớn trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời để đảm bảo sức khỏe, tôi tập yoga và thiền đều đặn. Tôi còn có những người bạn chung sở thích, chúng tôi thường xuyên giao lưu, mang đến cho nhau sự ấm áp, chia sẻ.

Tôi cũng giành cho mình thời gian để  đi nghe giảng Pháp ở chùa, thân cận những bậc thiện tri thức, đọc sách... Đó là những phút giây đem lại cho tôi sự an lạc và năng lượng tích cực cho những ngày làm việc tiếp theo.

Là người đã đạt được những thành công nhất định trong ngành này, nhân ngày mùng 8/3, bà có lời khuyên nào cho các bạn nữ trẻ?

Các bạn hãy yêu và chăm sóc bản thân mình, khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ mang lại nụ cười cho những người xung quanh. Thành công trong công việc không phải là tất cả, công việc chỉ là một phần trong cuộc sống, không nên quá chú trọng công việc mà quên những giá trị sống khác. Nên có sự hài hòa cần thiết giữa công việc và đời sống cá nhân.

Bà Trần Hải Anh sinh năm 1967, tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh.

Từ năm 1991-1995: Đại diện hãng ô tô Peugeot tại Hà Nội.

Từ năm 1996-2003: Phụ trách tài chính, kế toán của Cơ quan phát triển Pháp, 48A, Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội

Từ năm 2004-2012: Công tác TMCP Phương Nam và đảm nhiệm các vị trí Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Từ tháng 5/2013 đến tháng 2/2014: Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Nam Việt (nay là ngân hàng Quốc Dân) và công tác tại TPHCM.

Từ tháng 2/2014 tới nay, bà Hải Anh đảm nhiệm vị trí CEO tại NCB.

 

Lam Thanh

* Tại ngân hàng Việt Á, bà Phương Thanh Nhung là quyền Tổng Giám đốc.

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *