Tiền và Hàng 01/04/2014 16:32

Bộ trưởng Công thương: “Người dân không có lỗi”

FICA - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh việc thu mua nông sản, hàng hóa của thương lái nước ngoài.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đăng đàn trong phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp Quốc hội tại UB thường vụ Quốc hội sáng nay, 1/4.

Ưu tiên điện cho nông nghiệp

Đại biểu Thạch Dư – Phó Trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nguồn điện không đáp ứng đủ cho nuôi trồng thủy sản. Gần 85% diện tích nuôi trồng thủy sản phải dùng nguồn điện từ máy nổ, do không có lưới điện, làm ảnh hưởng đến giá thành, làm giảm năng lực cạnh tranh. Đại biểu Thạch dư đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hỗ trợ, đầu tư nguồn điện cho các địa phương để nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới.

Cùng vấn đề này, đại biểu Lê Đắc Lâm – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận cũng đã chất vất Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về nhu cầu điện cho sản xuất cây thanh long trái vụ. Hiện, nhu cầu điện cho thanh long trái vụ chỉ đủ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, không phải ngành điện không có đủ khả năng cung ứng điện. Vấn đề là do diện tích nuôi trồng thủy sản, trồng thanh long trong những năm qua tăng nhanh, vượt quá quy hoạch phát triển của ngành điện. Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến thế đòi hỏi kinh phí lớn, mà Nhà nước lại không cấp đủ vốn, buộc ngành điện phải tự thu xếp. Điều này dẫn tới việc, ngành điện không đáp ứng kịp tốc độ tăng của diện tích sản xuất nông nghiệp.

Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên tập trung nguồn điện cho sản xuất nông nghiệp, các địa phương cũng đã có những giải pháp hay như ứng trước kinh phí để xây dựng đường dây, trạm biến thế và ngành điện sẽ trả dần. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa điện về vùng sâu, vùng xa đến năm 2020 với kinh phí 30.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ cấp 85% kinh phí, chủ đầu tư (ngành điện và các địa phương) đóng góp 15%. Tuy nhiên, đến thời điểm này ngân sách Nhà nước chưa kịp cấp do cần phải tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị ngành điện và các địa phương tiếp tục ứng trước vốn, xây dựng lưới điện; đồng thời các địa phương cần chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch phát triển nông sản, thủy sản.

Người dân không có lỗi

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh việc thu mua nông sản, hàng hóa của thương lái nước ngoài.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, những năm gần đây, việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản ồ ạt khá phổ biến. Bộ Công Thương với trách nhiệm của mình đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để tìm hiểu, nắm tình hình, có giải pháp cụ thể. Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các địa phương tiến hành đánh giá, xử lý nghiêm các hoạt động trên. Đến nay, tình hình đã có cải thiện. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm với Quốc hội khi để xảy ra tình trạng trên.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết cần rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quản lý thị trường, trong đó có hoạt động của thương nhân nước ngoài để vừa quản lý tốt vừa không ảnh hưởng đến thương mại. Vì xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyên phổ biến để người dân năm vững quy định pháp luật, cảnh giác với các hành vi vi phạm trong các hoạt động thu mua nông sản. Trong vấn đề này, người nông dân ko có lỗi, phần lớn là do các cơ quản quản lý Nhà nước chưa làm hết sức mình trong công tác tuyên truyền.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, cần nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ thi hành công vụ, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường.

Cần xem lại quy hoạch vùng trồng nông sản

Trước việc ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thời gian gần đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã cho biết, do dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh. Đây là cửa khẩu qua lối mở nên địa hình hẹp, chật chội, năng lực thông quan 300 xe/ngày. Tại cửa khẩu Cốc Nam, năng lực thông xe cũng chỉ đạt 200 xe/ngày. Trong khi đó, những ngày qua lượng xe lên cửa khẩu lên tới hơn 1.000 xe/ngày, có ngày lên tới 1.800 xe. Trong khi đó, chúng ta không thể quyết định được việc Trung Quốc sẽ nhập dưa hấu qua cửa khẩu nào.

Nguyên nhân của tình trạng này là do năm nay dưa hấu được mùa, sản lượng tăng. Trong khi đó, người dân vẫn giữ thói quen kinh doanh cũ, sau khi đưa hàng lên cửa khẩu rồi mới tìm khách hàng, dẫn tới bị ép giá, ép cân hoặc không tìm được người mua. Dù Phòng Xuất xứ hàng hóa ở cửa khẩu đã tăng cán bộ làm việc nhưng không thể hạn chế tình trạnh ách tắc.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương đã cử nhiều đoàn kiểm tra lên Lạng Sơn nắm tình hình và đưa ra các giải pháp xử lý. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan làm việc với phía bạn đề tăng thời gian thông quan từ 17h lến 21h. Đồng thời, đề nghị tỉnh Lạng Sơn thông báo cho các địa phương có nguồn dưa hấu điều chỉnh, điều tiết mật độ đưa hàng lên biên giới xuất khẩu. Bộ trưởng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu trước về đối tác, nên có hợp đồng trước khi đưa hàng đi tiêu thụ. Các địa phương cũng cần xem xét lại quy hoạch trồng nông sản để tránh tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại cho người nông dân.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *