Thời sự 29/03/2015 09:42

Áp chỉ tiêu bán nợ xấu là cần thiết

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đối với một số ngân hàng thương mại là điều cần thiết.

Để đạt mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay, NHNN đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh rà soát nợ xấu để bán cho VAMC theo chỉ tiêu được NHNN đưa ra. Cho dù có khó khăn và còn e ngại trong việc phải công khai con số nợ xấu của mình, nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, việc NHNN áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC là điều cần thiết để ngân hàng làm sạch được bản kế toán.

Áp chỉ tiêu bán nợ xấu là cần thiết
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đưa nợ xấu về 3% cuối năm 2015

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, nếu trước đây, việc bán nợ xấu cho VAMC là do ngân hàng và VAMC thương thảo cả về khoản nợ cần bán lẫn giá cả, thì nay, việc bán nợ xấu phải thực hiện theo chỉ tiêu được NHNN đưa ra.

Công văn của NHNN gửi các ngân hàng thương mại đầu tháng 3/2015 nêu rõ, các ngân hàng thương mại phải rà soát nợ xấu và đẩy mạnh việc bán cho VAMC, sau khi Công ty này được NHNN chấp thuận cho phát hành trái phiếu đặc biệt có tổng giá trị tối đa 80.000 tỷ đồng.

VAMC xác định, đến ngày 30/6/2015, các ngân hàng thương mại phải bán được tối thiểu là 75% số lượng theo chỉ tiêu được NHNN giao và đến ngày 30/9/2015, phải bán hết 100%. Vì thế, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, việc bán nợ xấu cho VAMC cũng sẽ được đẩy nhanh hơn so với trước và các ngân hàng đã lên lịch bán nợ.

Cụ thể, Eximbank sẽ bán thêm 1.000 tỷ đồng; OCB bán khoảng vài trăm tỷ đồng nợ xấu; Kienlongbank chỉ bán chưa đầy 100 tỷ đồng;

HDBank bán khoảng 100 tỷ đồng và Nam A Bank cũng dự kiến bán nợ xấu ở mức này.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho rằng, việc đẩy mạnh bán nợ xấu theo yêu cầu của NHNN là cần thiết để ngành ngân hàng kéo giảm được nợ xấu xuống mức 3% vào cuối năm 2015.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cũng nhận xét, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng có những khó khăn nhất định, song nếu không có VAMC thì khó đưa nợ xấu xuống mức thấp. “Tuy trách nhiệm xử lý nợ vẫn thuộc về ngân hàng và các ngân hàng phải trích dự phòng 20% hàng năm cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC, nhưng thực tế, nếu không bán các khoản nợ xấu cho VAMC, thì các ngân hàng cũng phải trích dự phòng rủi ro theo quy định. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và khoản nợ xấu vẫn tồn tại trên bảng cân đối của ngân hàng”, vị phó tổng giám đốc này nói.  

Hiện tại, VAMC vẫn chưa thể sớm xử lý triệt để các khoản nợ xấu mua về, mà trách nhiệm xử lý vẫn thuộc về ngân hàng. Tuy nhiên, nếu không có VAMC, các ngân hàng khó có thể đưa nợ xấu xuống mức thấp, nhất là những ngân hàng vừa trải qua giai đoạn mua bán và sáp nhập (M&A), khi nợ xấu luôn ở mức tương đối cao. Chẳng hạn tại SCB, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn ở mức hơn 1%, sau khi trong 2 năm 2013 và 2014, SCB đã bán 12.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Còn tại HDBank, sau khi sáp nhập thêm DaiA Bank, nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng lên, song sau hơn 1 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ và bán nợ xấu cho VAMC, hiện nợ xấu của HDBank chỉ khoảng 1,4%.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng, VAMC được xem là một công cụ hữu hiệu làm sạch được bản cân đối kế toán cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng thanh thoát hơn để có thể tăng trưởng ổn định.

Trong hơn 1 năm qua, VAMC đã mua được gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu, giúp các ngân hàng chuyển được nợ xấu qua VAMC. Theo lãnh đạo các ngân hàng, trong thời gian tới, dù muốn hay không, VAMC cũng phải tìm đầu ra cho khoản nợ xấu mua lại đó.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với sự khởi sắc dần của nền kinh tế, chủ trương của Nhà nước ngày càng tháo gỡ cho thị trường bất động sản, mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản thời gian tới sẽ là những điều kiện tốt để VAMC có thể giải quyết được đầu ra cho nợ xấu đã mua. “Các nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn khi VAMC đã mua được một lượng nợ xấu và hàng tồn kho hiện khá lớn. Do đó, từ năm 2015 trở đi sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn cho VAMC giải quyết đầu ra. Từ đó, VAMC sẽ có thêm điều kiện để tiếp tục mua thêm nợ xấu mới”, ông Lịch nói.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu hiện còn khá nhiêu khê trong khâu phát mãi tài sản, nên rất khó có thể nhanh chóng thu hồi được nợ.

Theo Thùy Vinh

Báo Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *