Thời sự 22/03/2015 07:52

2.000 tỷ USD “tiền bẩn” chảy vào các hệ thống ngân hàng mỗi năm

Mỗi năm, khoảng 2.000 tỷ USD “tiền bẩn” từ các tổ chức tội phạm, cướp biển và thậm chí là các nhóm khủng bố được tuồn vào các hệ thống ngân hàng có uy tín. “Tiền bẩn” trở thành một nguồn kinh doanh siêu lợi nhuận của các ngân hàng.


Ngân hàng quốc tế bị phanh phui kinh doanh với một loạt tội phạm quốc tế

Trang web chính thức của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) mới đây cho biết, kết quả điều tra từ 45 quốc gia đã thu thập được danh sách thông tin về hàng nghìn tài khoản bí mật trong chi nhánh ngân hàng HSBC tại Thụy Sỹ của những kẻ buôn vũ khí, buôn người, nhà độc tài, những kẻ buôn kim cương máu và những kẻ tội phạm quốc tế khác bên cạnh những chính trị gia và người nổi tiếng. Tài liệu thu thập gồm dữ liệu về 3.000 tài khoản với tổng trị giá khoảng 120 tỷ USD được mở tại HSBC trong năm 2005 - 2007.

Theo đánh giá của ICIJ, HSBC đã mở rộng kinh doanh với những người có hành vi bất hợp pháp hoặc phi đạo đức trong những năm gần đây. Một số khách hàng của HSBC còn thực hiện những chuyến đi tới Geneva để rút lượng tiền mặt rất lớn và đôi khi còn ghi chú mục đích sử dụng chúng. Tài liệu rò rỉ cũng tiết lộ thông tin về tài khoản bí mật của nhiều người nổi tiếng như vận động viên quần vợt, ngôi sao nhạc rock, diễn viên Hollywood, thành viên hoàng gia, chính trị gia, các giám đốc điều hành công ty... cũng như nhiều khoản thu nhập chưa đóng thuế của một số người nổi tiếng.

Sự việc này thực ra không hề mới mẻ. Những ai theo dõi ngân hàng này từ lâu thậm chí sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên với việc bản danh sách các khách hàng trốn thuế của họ lại gây được nhiều sự chú ý đến vậy. HSBC là một ngân hàng toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại London. Hiện HSBC có mạng lưới hơn 6.900 chi nhánh đặt tại 84 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 6 châu lục. Tuy nhiên, danh tiếng của HSBC đã bị hoen ố nhiều trong những năm gần đây sau một loạt vụ bê bối liên quan tới điều tra giao dịch phi pháp. Tháng 11-2014, các nhà điều tra Bỉ đã bắt đầu mở một cuộc điều tra nhằm vào chi nhánh HSBC tại Thụy Sỹ. Một năm trước đó, các nhà chức trách Achentina cũng cáo buộc HSBC hỗ trợ các công dân nước này rửa tiền và trốn thuế. Trong năm 2012, để tránh bị truy tố, HSBC đã đồng ý nộp 1,9 tỷ USD tiền phạt cho các nhà chức trách Mỹ do bị cáo buộc hỗ trợ những kẻ buôn ma túy ở Mexico rửa tiền.

Các vụ bê bối của HSBC không phải là lạ và hiếm trong hệ thống các ngân hàng uy tín trên thế giới. Không ngạc nhiên khi các kết quả điều tra trong vài năm trở lại đây cho thấy, ngân hàng có nhiều liên quan đến hoạt động rửa tiền bất hợp pháp. Giải thích về sự lựa chọn của các dòng “tiền bẩn”, các chuyên gia tài chính cho rằng, không những vì khả năng có thể giao dịch với các khoản tiền rất lớn của ngân hàng, mà khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng sẽ nhanh chóng được công nhận như một khoản tiền sạch, từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng. Hoạt động chuyển tiền giữa các ngân hàng có thể không thuộc phạm vi báo cáo nghi vấn rửa tiền, do vậy các nhân viên ngân hàng thường bị mua chuộc để che đậy việc chuyển những khoản tiền lớn bất hợp pháp giữa các tài khoản với nhau.

Tiền “bẩn” trong các ngân hàng đến từ đâu?

Chia sẻ thêm về tình hình các dòng tiển “bẩn” trong các ngân hàng mỗi năm trong buổi phỏng vấn mới đây của tờ The Atlantic, chuyên gia phòng chống tội phạm tài chính Mỹ Stephen Platt ước tính con số thực tế tiền “bẩn” trong các ngân hàng từ ma túy có khoảng 400 tỷ USD và từ tất cả các hoạt động mờ ám khác là khoảng 2.100 tỷ USD mỗi năm. 
Trả lời câu hỏi “tiền bẩn” trong các ngân hàng đến từ đâu? Stephen Platt cho rằng, đây là một hệ quả từ việc rửa tiền tràn lan tại một số quốc gia và các ngân hàng đang phải gánh chịu. Đây là một chuỗi các vòng tròn đồng tâm. Nhân viên ngân hàng đóng vai trò trung tâm và chúng ta cần tác động đến hành vi của họ. Tiếp theo là lãnh đạo cấp cao hơn, sau đó là hội đồng quản trị, tiếp theo là cán bộ quản lý, chính phủ và các đảng phải chính trị, sau nữa là xã hội. Mỗi vòng tròn lớn hơn đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến vòng tròn bên trong. 

Chính vì vậy, theo ông, Chính phủ phải cung cấp thêm những công cụ cần thiết và lập ra lộ trình chính sách. Nhưng cái khó nằm ở chỗ các ngân hàng có những ảnh hưởng nhất định đến các vòng tròn bên ngoài, đặc biệt là các đảng phái chính trị và ngân hàng là nguồn cung cấp vốn cho các dự án phát triển. Không chính phủ nào muốn gây tổn hại cho nền kinh tế bằng cách xua đuổi dòng vốn.

Theo Ngân Hà

ANTĐ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *