Thời sự 20/07/2014 17:15

"Nghi án" M&A ngân hàng sẽ lộ sáng vào cuối năm

Rất nhiều cái tên đã được xướng lên trong các “nghi án” mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng 6 tháng đầu năm, song mới có một thương vụ được chốt.

Dự báo, 6 tháng cuối năm, một loạt thương vụ còn lại sẽ được chốt cùng với sự tham gia của các ngân hàng lớn và các nhà đầu tư ngoại.
 
Các thương vụ trong tầm ngắm
 
Thị trường M&A ngân hàng 6 tháng đầu năm nay vô cùng hứng khởi, khi hàng loạt ngân hàng như Maritime Bank, MDB, Sacombank, SoutherBank, PGBank, VietABank, Viet Capital Bank, SHB, VPBank… tuyên bố ý định M&A.
 
Tuy nhiên, trong các thương vụ được “nhăm nhe” và đồn đoán từ đầu năm đến nay, chỉ các thương vụ sáp nhập công ty tài chính vào ngân hàng là có biến chuyển. Cụ thể, VPBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận sáp nhập Công ty Tài chính Vinacomin (CMF).
 
Còn trong tháng 7 này, SHB sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập công ty tài chính. 
 
Một trường hợp khác là Maritime Bank đã sở hữu Công ty Tài chính Dệt may khi mua lại 64,1% vốn điều lệ của công ty này từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
 
Trong khi đó, với tính chất phức tạp, các thương vụ M&A ngân hàng vẫn chưa được cơ quan quản lý thông qua, dù đã được cổ đông hai bên chấp nhận, như thương vụ Maritime Bank sáp nhập MDB hay Sacombank sáp nhập Southern Bank. Những trường hợp còn lại, PGBank có sáp nhập VietinBank hay không, đối tác M&A của VietABank, Viet Capital Bank là ai… thì vẫn trong vòng bí mật.
 
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, Đề án sáp nhập giữa Martime Bank và MDB, Sacombank và Souther Bank đang được NHNN thẩm định.  Hơn thế, các ngân hàng này cũng cần thời gian để cải thiện sức khỏe, trước khi chính thức sáp nhập. Nhiều khả năng, cuối quý III, đầu quý IV/2014, ít nhất một trong 2 thương vụ này sẽ được NHNN chấp thuận thông qua.
 
Lý giải cho nguyên nhân tái cơ cấu ngân hàng dường như đang chậm lại, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, đó là do NHNN chủ động chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. 
 
Sôi động 6 tháng cuối năm
 
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc các ngân hàng có mối quan hệ sở hữu chéo như Maritime Bank và MDB sáp nhập với nhau là phù hợp với định hướng quản lý và yêu cầu tự thân của từng ngân hàng. Bởi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các chủ sở hữu phải dồn lực để phát triển, thay vì đầu tư tràn lan như trước.
 
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, thời gian tới, các thương vụ M&A giữa ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn sẽ diễn ra mạnh mẽ, bởi nếu không sáp nhập, ngân hàng nhỏ rất khó tồn tại.
 
Đặc biệt, bên cạnh các ngân hàng nhỏ, ngân hàng có mối quan hệ sở hữu chéo, thì 6 tháng cuối năm, M&A lĩnh vực ngân hàng dự báo còn sôi động hơn, với sự tham gia của các ngân hàng lớn. “Tới nay mới tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, nhưng 6 tháng cuối năm, sẽ triển khai tái cấu trúc cả các ngân hàng thương mại cổ phần lớn”, Thống đốc NHNN khẳng định.  
 
Được biết, Chính phủ đã đồng ý phương án các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khi thoái vốn tại các tổ chức tín dụng, thì toàn bộ phần thoái vốn đó được quản lý dưới sự chỉ đạo trực tiếp của NHNN. Đề án chi tiết đang được NHNN triển khai xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua ngay trong tháng 7 này để triển khai rộng rãi.
 
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ, các ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được “chỉ định” mua lại phần vốn thoái của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Như vậy, thời gian tới, rất có thể, các anh cả như BIDV, VietinBank, Vietcombank… cũng sẽ tham gia cuộc chơi M&A.
 
Trong khi đó, theo nhận định của các công ty tư vấn M&A, các nhà đầu tư ngoại cũng đang rất hào hứng với lĩnh vực này. “Các ngân hàng có năng lực nhất định về tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, thanh toán… chắc chắn sẽ là tầm ngắm của các tập đoàn tài chính nước ngoài”, ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty AVM nhận định.
 
Theo Thùy Liên
Báo Đầu tư
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *