Thời sự 13/01/2015 16:29

“Góc khuất” đằng sau bảng cân đối kế toán các ngân hàng

FICA – Theo VDSC, hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, do đó, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi về chất lượng bảng CĐKT hơn là những số liệu về KQKD hay những tin đồn xung quanh các ngân hàng này.

Trao đổi với nhà đầu tư, chuyên viên phụ trách ngành ngân hàng của CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra một số thông tin về chất lượng Bảng cân đối kế toán (CĐKT) của các ngân hàng, thông qua việc kiểm soát nợ xấu và trích lập dự phòng.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu năm 2014 của toàn hệ thống đã giảm đáng kể so với năm 2012 và 2013, ước khoảng 3,87% tại thời  điểm cuối tháng 10/2014. Ở nhóm các ngân hàng niêm yết, có 5/9 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với năm 2013 gồm BID (BIDV), VCB (Vietcombank), STB (Sacombank), SHB và NVB (Navibank - NCB).

Tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống giảm nhanh một phần nhờ các ngân hàng tích cực xử lý và bán nợ cho VAMC. Theo thông tin công bố của VAMC, cuối năm 2014, cơ quan này đã mua vào khoảng 125.000-130.000 tỷ đồng nợ xấu, với giá mua khoảng 105.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, VAMC mới xử lý và thu hồi được 4.161 tỷ đồng, tương 4,2% giá trị nợ mua vào. Có thể thấy, mặc dù việc mua nợ theo đúng kế hoạch, tốc độ xử lý nợ xấu của cơ quan này còn khá chậm.

Khi xem xét đến biến động của tỷ lệ nợ trung-dài hạn so với tổng dư nợ, ngoại trừ VCB và CTG (VietinBank) có tỷ lệ tương đối ổn định, tỷ lệ này ở các ngân hàng khác như BID, STB, EIB (Eximbank), NVB và MBB biến động khá mạnh. Có vẻ như các ngân hàng đã tranh thủ thực hiện đảo nợ các khoản vay có chất lượng tín dụng thấp ngay khi NHNN cho phép tái cấu trúc các khoản vay quá hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy, thời gian qua, các ngân hàng đã chưa thực hiện nghiêm khắc các chỉ tiêu về phân loại nợ.

Tỷ lệ nợ trung, dài hạn/Tổng dư nợ

Về hiệu quả hoạt động, tỷ lệ lãi biên ròng (NIM) của các ngân hàng nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm, trong đó STB và MBB vẫn là hai ngân hàng có tỷ lệ NIM cao nhất hệ thống.

Theo nhận xét của VDSC, dường như do đang tập trung đảm bảo chất lượng bảng CĐKT mà hiệu quả kinh doanh của VCB chưa thật sự tốt so với các ngân hàng niêm yết khác. Hầu hết các chỉ tiêu về NIM và ROA, ROE của VCB thấp hơn BID, CTG, STB và MBB. Điểm cộng cho VCB chính là ngân hàng đã có sự kiểm soát tốt hơn về chi phí hoạt động, tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động giảm từ mức trên 40% xuống còn 37,7% trong 9 tháng/2014.

 

Chuyên viên phụ trách của VDSC cho rằng, năm 2015 sẽ có thêm những câu chuyện mới hứa hẹn triển vọng tốt hơn cho ngành ngân hàng, như làn sóng M&A giữa các ngân hàng và sự ấm lên của thị trường BĐS giúp việc thu hồi nợ diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên, như những gì báo cáo tài chính của các ngân hàng thể hiện, nợ xấu được làm sạch bằng cách bán nợ cho VAMC, trong khi tốc độ xử lý nợ của tổ chức này còn chậm. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi (tỷ trọng thu nhập lãi chiếm 70% tổng thu nhập ngân hàng, ngoại trừ VCB), trong khi tỷ lệ NIM chưa cải thiện thì sẽ cần thêm thời gian để các ngân hàng lấy lại được kết quả kinh doanh tốt như trước đây.

Theo VDSC, hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, do đó, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi về chất lượng bảng CĐKT hơn là những số liệu về KQKD hay những tin đồn xung quanh các ngân hàng này.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *