Thời sự 11/09/2014 00:09

“Bơm” tiền cho VAMC mua nợ xấu?

FICA - Nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, trong khi VAMC mới chỉ mua được 56.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay. Do đó, VAMC cần phải được “bơm” tiền để giải quyết “cục máu đông” này.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lượng nợ xấu được xử lý năm 2012 là 69 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là gần 98 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 33,65 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 300 ngàn tỷ đồng dư nợ đã được cơ cấu lại góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn tài chính và tiếp cận vay vốn bình thường.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được khoảng 56 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu so tổng dư nợ 4,17% (theo tổ chức tín dụng báo cáo) và khoảng 8,2% (nếu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại).

Nợ xấu vẫn là "cục máu đông" của nền kinh tế.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nợ xấu có nguy cơ gia tăng trở lại do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt.

Cũng theo ông Kiên, việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu chậm được khắc phục, hoàn thiện. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức tín dụng chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC”, ông Kiên đánh giá.

Ngoài ra, ông Kiên còn cho rằng do VAMC chưa có những cơ chế hỗ trợ đặc thù nên hoạt động còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Cho rằng, tỷ lệ nợ xấu hiện nay hơn 4,7% là “vấn đề không hề đơn giản”, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM  nhấn mạnh: “ Đó là điểm nghẽn của các tổ chức tín dụng và là nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan cần phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm nợ xấu trong thời gian sớm nhất, không thể để dây dưa mãi được”.

Theo đánh giá của ông Lịch, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giải quyết nợ xấu và thực tế, với việc áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ... đã mang đến những hiệu quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được khoảng 201.000 tỷ nợ xấu, còn VAMC cho đến hiện nay chỉ mới mua được 56.000 tỷ nợ xấu.

Do đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần trao thêm quyền và cả tăng tiềm lực tài chính cho VAMC để công ty này “mạnh tay” mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.

TS. Trần Du Lịch cho hay, VAMC cần triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua bán nợ này, Chính phủ cần bổ sung nguồn tài chính cho VAMC và tăng vốn điều lệ là một giải pháp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước.

“Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ. Nợ mấy trăm ngàn tỷ mà vốn của VAMC có 500 tỷ đồng sao giải quyết được”, ông Lịch nói.

Còn theo TS.Nguyễn Đức Thành, câu chuyện tranh luận hiện nay là dùng nguồn lực nào để xử lý nợ xấu. Công ty VAMC cũng chỉ là một giải pháp tình huống cấp bách khi thiếu nguồn lực để giải quyết nợ xấu. Do đó, một trong những giải pháp mà TS.Thành đưa ra là, thay đổi mạnh mẽ các quy định pháp luật liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần trao thêm những đặc quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.

Một giải pháp khác, theo ông Thành, là Ngân hàng Nhà nước tự xoay sở để có nguồn tiền bơm vào hệ thống. Quá trình này có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng kém lành mạnh. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại, Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *