Thời sự 13/05/2015 14:34

“Bóc” thủ đoạn lừa đảo của công ty tài chính

Do khó vay trực tiếp từ ngân hàng, nhiều người phải đến các công ty dịch vụ tài chính để nhờ vay vốn ngân hàng. Nhưng không ngờ, tiền vay thì không thấy mà nhà đất hay tài sản thế chấp khác lại bị bán mất.

“Bóc” thủ đoạn lừa đảo của công ty tài chính

Việc ủy quyền vay cho một số công ty tài chính có thể dẫn tới hệ lụy mất tài sản

 

Vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các bị cáo là thành lập những công ty dịch vụ tài chính, nhận vay vốn ngân hàng, nhận nhà đất để thế chấp hộ cho những người có nhu cầu, nhưng rồi đã bán luôn nhà đất và tiêu tiền “hộ” khách hàng.

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Tuấn Anh (SN 1969, trú ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) và Vũ Thị Minh Hòa (SN 1975, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã thành lập 3 công ty gồm: CTCP Đầu tư thương mại An Bình, CTCP Đầu tư quốc tế và phát triển nhân đạo IQ Việt Nam, Công ty Tư vấn đầu tư tài chính Thiên Đức.

Mặc dù trong giấy phép kinh doanh ghi rất nhiều ngành nghề khác nhau, song thực chất tất cả các công ty của Tuấn Anh và đồng phạm đều không hề tiến hành kinh doanh mà chỉ rao vặt về dịch vụ vay vốn, đáo hạn ngân hàng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (trú ở quận Hoàng Mai) muốn vay ngân hàng 150 triệu đồng và nhờ Tuấn Anh đứng ra xin vay hộ. Chi phí dịch vụ là 7,5 triệu đồng và phải thế chấp “sổ đỏ”. Tuấn Anh đã tư vấn cho Hằng làm hợp đồng ủy quyền thế chấp để Tuấn Anh đi vay ngân hàng.

Sổ đỏ đã giao nhưng chị Hằng chờ mãi vấn không nhận được tiền vay nên đã đòi lại sổ đỏ, tuy nhiên, Tuấn Anh viện đủ mọi lý do để chậm trả. Sau này, khi Cơ quan điều tra đưa cho xem bản hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất chị Hằng mới ngã ngửa rằng Tuấn Anh đã đem bán nhà đất của chị cho ông Đào Duy Hưởng và bà Nguyễn Thùy Dương (trú tại quận Ba Đình).

Tuấn Anh đã lợi dụng sơ hở của chị Hằng khi không đọc kỹ hợp đồng để lừa ký vào hợp đồng ủy quyền cho phép đối tượng này đứng ra bán nhà đất. Lúc đầu, Tuấn Anh cho chị Hằng xem hợp đồng ủy quyền ghi rõ phạm vi ủy quyền là thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến văn phòng công chứng, Tuấn Anh đưa ra hợp đồng ủy quyền có nội dung ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các việc yêu cầu công chứng, ký hợp đồng và nhận hợp đồng tại phòng công chứng đều do Phạm Tuấn Anh thực hiện.

Tương tự, sau khi nhận đứng ra vay hộ 200 triệu đồng cho chị Phạm Thị Thanh Hà (ở quận Long Biên), kèm theo điều kiện phải thế chấp “sổ đỏ”, Tuấn Anh đã nhanh chóng bán đứt ngôi nhà và đất của bị hại cho người thứ ba.

Một trường hợp khác, bà Phương Thị Thuyên (trú quận Tây Hồ) cần gấp 300 triệu đồng nên đã tìm đến công ty của Nguyễn Thu Hợp và Vũ Thị Minh Hòa để nhờ các đối tượng này vay tiền hộ. Thế nhưng, khi “sổ đỏ” cùng các giấy tờ liên quan vừa trao tay thì nhà, đất của gia đình bà Thuyên lập tức bị Hòa cùng đồng bọn bán cho ông Nguyễn Gia Toàn, trú ở quận Hoàn Kiếm.

Tài liệu truy tố các bị cáo xác định, Phạm Tuấn Anh và đồng bọn đã chiếm đoạt của 3 người liên quan tổng cộng 3,6 tỷ đồng.     

              

Những trình bày của chị Hằng tại phiên tòa cho thấy, trong quá trình nhờ vay ngân hàng, 2 bên đều thống nhất sổ đỏ chỉ sử dụng vào mục đích thế chấp ngân hàng. Khi đến Phòng Công chứng số 2 Hà Nội, dù chị đến từ rất sớm, nhưng phải chờ cho tới khi gần hết giờ làm việc buổi sáng mới được gọi vào ký hợp đồng. Khi đó, Tuấn Anh và nhân viên phòng công chứng thúc giục chị ký, chỉ cần đọc đoạn đầu, đoạn cuối hợp đồng, vì thế chị Hằng không nắm được nội dung cũng như phạm vi ủy quyền.

Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Thường phải đến khi ngân hàng xử lý tài sản, chủ tài sản mới biết mình đã bị lợi dụng và mất toàn bộ tài sản đem ra thế chấp. Về mặt hình thức, đây thuần túy là một giao dịch dân sự, nhưng bản chất lại là sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các cá nhân hoặc doanh nghiệp làm dịch vụ tài chính thường là đã có chủ ý từ trước để lợi dụng việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật của khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu xảy ra kiện tụng, bên nhận ủy quyền thường không có căn cứ, nếu có căn cứ thì công ty kia đã cao chạy xa bay hoặc không có tài sản nào khác để thi hành án.

“Đây là những hiện tượng có thật và tương đối phổ biến, diễn ra khá phức tạp, gây thiệt hại cho cá nhân và ngân hàng. Nên chăng cần phải có nguồn luật để điều chỉnh một loại quan hệ “ngoài đúng, trong sai” này? Đồng thời, “mối quan hệ” đó chắc chắn phải là trách nhiệm hình sự thì mới kịp thời truy cứu và thu hồi tài sản trả cho chủ sở hữu và ổn định xã hội”, Luật sư Hướng nói.      

Theo Bùi Trang
ĐTCK
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *