Góc nhìn 27/03/2018 15:02

Vì sao các quỹ đầu tư mạo hiểm cho start-up “né” Việt Nam

Hoạt động của các start-up tại Việt Nam nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Phong trào start-up lên cao nên phát triển nhiều về số lượng. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa thực sự mặn mà với thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch tập đoàn Nexttech group

Sự phát triển của các khu vực kinh tế phi chính thức thể hiện khát khao tự làm điều gì đó của người Việt là rất cao.

Tuy nhiên, nhìn ở phạm vi hẹp, các start-up công nghệ Việt chất lượng còn yếu. Điểm yếu thể hiện rõ ở thiếu sự định hướng. Phần lớn những người có hoài bão start-up lại không biết mình mạnh và giỏi cái gì để làm những điều cần thiết cho xã hội.

Trong 10 lí do dẫn đến thất bại của các start-up, thì lí do lớn nhất chính là làm cái xã hội không cần. Hoặc làm cái xã hội cảm thấy có cũng được, không có cũng chẳng sao.

Thứ 2 là những start-up này đều thiếu người đồng hành, cùng ý tưởng. Thường họ chỉ bước đi 1 mình, nhưng trong những giai đoạn tiếp theo thì sẽ có rất nhiều lúc thất bại, căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không có người chia sẻ bớt gánh nặng thì sẽ rất dễ gục ngã. Vì thế, start-up cần ít nhất từ 2 người trở lên.

Ngoài ra, khó khăn về vốn đang là cản trở lớn nhất của các start-up trẻ. Nhưng hiện, Việt Nam chưa phải là điểm đến ưa thích của các quỹ đầu tư. Bằng chứng là các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn khá ít.

Lí do chính khiến các quỹ chưa mặn mà thị trường Việt Nam là do hiện Việt Nam vẫn thiếu các DN có hiệu quả hoạt động tốt, đặc biệt là các start-up mới bắt đầu.

Thứ 2 là Việt Nam đang bị nhìn nhận là 1 thị trường chưa thực sự phát triển. Nếu để có sự ưu tiên trong khu vực, các nhà đầu tư thường chọn Indonesia.

Ngoài ra, các nhà đầu tư không chọn Việt Nam mà còn chọn Singapore, Malaysia, HongKong là bởi các start-up ở khu vực đó có tầm nhìn khu vực. Thông thường, các nhà đầu tư nhìn cả Đông Nam Á là 1 thị trường, nếu không sẽ bị phân mảnh.

Vì mỗi nước ở ĐNA chỉ bằng 1 tỉnh ở Trung Quốc hay 1 bang ở Ấn Độ. Vì thế các quỹ lớn thường ưu tiên start-up có khả năng liên kết các khu vực, điển hình như Grab.

Các yếu tố như công nghệ, năng lực, thị trường thì người Việt đều không thua kém. Duy chỉ có vấn đề về diện tích lãnh thổ khi Việt Nam chỉ nhỏ bằng 1/3 nên rất nhiều dòng vốn không chảy vào.

Hiện nay dòng vốn đang chảy rất mạnh vào 2 chỗ trũng, thứ nhất là vào Indonesia với dân số và diện tích lớn trong khu vực. Thứ hai là khu vực Malaysia, Singapore bởi các DN ở đây có tầm nhìn khu vực và năng lực tiếng anh tốt. Ngoài ra, DN ở các nước này còn có năng lực phát triển các DN đa quốc gia ở khu vực ĐNA.

Bênh cạnh đó, các mô hình hỗ trợ start-up thì mới chỉ manh nha hình thành. Và các hỗ trợ này cũng mới chỉ dừng ở việc cung cấp các khoá giảng, hướng dẫn chưa thực sự bài bản.

Trong khi đó, việc khởi nghiệp cũng giống như 1 cuộc chạy marathon, ai biết con đường ngắn nhất, có kinh nghiệm, hỗ trợ tốt sẽ đến được đích là sự thành công nhanh nhất.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ ở Việt Nam vẫn chỉ đơn thuần là trò chuyện trao đổi kinh nghiệm, cách trao đổi này rất khó để làm việc. Muốn có sự đồng hành giữa người hướng dẫn và các start-up thì cần có sự gắn kết về mặt quyền lợi.

Đa phần các start-up hiện nay đều là người trẻ, có cái tôi lớn. Họ thường bỏ qua góp ý và vì thế mối quan hệ giữa người hướng dẫn và các start-up thường có vấn đề.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *