Góc nhìn 19/08/2014 16:18

Vàng và ngoại tệ sẽ lên sóng

Trước mắt, nhiều nhận xét cho rằng trong 3 tháng tới, tỷ giá sẽ khó có biến động do Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giữ yên mức điều chỉnh 1% trong một thời gian

 Những căng thẳng leo thang ở biển Đông từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường vàng và ngoại tệ nổi sóng trong tháng 6, sau một thời gian dài bình lặng dưới sự kiểm soát tương đối sát sao của Ngân hàng nhà nước.

Vàng trồi sụt

          Tính cả tuần cuối tháng 5 và 4 tuần của tháng 6, giá vàng thế giới đã có 5 tuần liên tục tăng nhẹ, chủ yếu do những biến động từ kinh tế thế giới. Tuần đầu tiên của tháng 7, trái với các dự đoán, giá vàng thế giới bật tăng thêm hơn 30 USD/oz, có lúc lên đến 1.345 USD/oz rồi mới giảm nhẹ.

Hiện tại, giá vàng thế giới đang ở mốc 1.335 USD/oz, tăng trên 35 USD/oz so với tuần cuối tháng 6. Theo đà đó, giá vàng trong nước cũng tăng theo, đạt sát mốc 37 triệu đồng/ lượng vào ngày 11-7. Trong tháng 6, dù Ngân hàng Nhà nước không tổ chức thêm phiên đấu thầu vàng nào, song ghi nhận thực tế từ thị trường cho thấy, nhu cầu mua vàng và cất giữ vàng của người dân đã tăng nhẹ so với bình thường, chủ yếu là do tâm lý e ngại căng thẳng leo thang ở biển Đông.

          Tuy vậy, kết thúc tuần đầu tiên của tháng 7, giá vàng lại giảm trở lại theo đà giảm của giá vàng thế giới. Hiện tại, giá vàng đang được một số doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết ở mức 36,84 triệu đồng/lượng mua vào và 36,96 triệu đồng/lượng bán ra. Hiện tại, theo tính toán, giá vàng trong nước đang chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.

          Do những điều khoản siết chặt thị trường vàng của Nghị định 24 mà Ngân hàng nhà nước đã ban hành, nhiều chuyên gia nhận định, sẽ khó có những thời điểm mà giá vàng trong nước dậy sóng để nhà đầu tư có cơ hội tham gia lướt sóng. Những quy định chặt chẽ về kinh doanh vàng cũng là những yếu tố khiến thị trường vàng trong nước ổn định, không quá nóng dù giá thế giới có biến động. Tuy nhiên, vàng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư có lợi nhuận, tính từ đầu năm 2014 đến nay. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, giá vàng tuy có tăng, song nguồn cung ổn định, và người dân có thể vẫn chọn đây là một kênh đầu tư nếu muốn. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận xét trong báo cáo mới đây rằng tuy không gây ra những cơn sóng lớn, song tính đến cuối tháng 6-2014, giá vàng đã tăng khoảng 4,2 - 4,5% so với thời điểm đầu năm – một mức lời khá đáng kể so với việc găm giữ VNĐ hoặc USD.

Tỷ giá biến động

          Ngày 19-6-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức điều chỉnh tỷ giá VND/USD lên thêm 1% so với bình thường, từ mức 21.036VND/USD lên 21.246 VND/USD. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá được điều chỉnh trong bối cảnh mọi điều kiện đều tương đối bình thường, cụ thể, thị trường tiền tệ và ngoại hối diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ đảm bảo (xuất siêu cả nước 5 tháng đầu năm đạt 1,6 tỷ USD, thặng dư ngoại tệ trên 10 tỷ USD, lạm phát thấp…).

          Thực tế, nhu cầu về USD trong tháng 5 và 6 cũng tăng nhẹ khi một số người có xu hướng chuyển sang găm giữ USD khi tình hình biển Đông căng thẳng. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng ngoại tệ kể từ tháng 5 đã tăng tương đối (dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước) do sản xuất – xuất khẩu bước vào cao điểm, doanh nghiệp phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu để thực hiện các đơn hàng giữa năm, chuẩn bị cho cuối năm. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng ngoại tệ trên phạm vi cả nước đã tăng 10% (tính đến ngày 12/6), cao hơn gần 3% so với thời điểm cuối tháng 4. Lãi suất vay USD vẫn ổn định với cho vay ngắn hạn 3-6%/năm, trung và dài hạn khoảng 5,5-7%/năm. Có một số lo ngại nhỏ là khi tín dụng ngoại tệ tăng tiếp tục, trong khi tiền gửi ngoại tệ giảm do lại suất thấp có thể sẽ gây căng thẳng cho thị trường và gây áp lực lên tỷ giá.

          Song, theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng, tín dụng ngoại tệ hiện chỉ mới chiếm trên 11% tổng dư nợ, do đó tính về nguồn cung trong trung hạn thì không đáng lo. Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước đã và đang kiểm soát tốt các đối tượng cho vay ngoại tệ. Thực tế, ngày 11-7, giá ngoại tệ các ngân hàng bán ra cũng đã giảm nhẹ so với tuần trước, ở mức 21.200 VND/USD. Ngoài ra, giá mua bán USD trên thị trường tự do cũng giảm.

          Trước mắt, nhiều nhận xét cho rằng trong 3 tháng tới, tỷ giá sẽ khó có biến động do ít nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giữ yên mức điều chỉnh 1% trong một thời gian, song về dài hạn, không loại trừ khả năng tỷ giá sẽ tiếp tục được điều chỉnh nếu tình trạng cho vay nhiều, huy động ít tiếp tục kéo dài. Thêm vào đó, những căng thẳng trong tranh chấp biển Đông hay chiến sự ở Iraq có thể sẽ gây sức ép lên tỷ giá.

FICA

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *