Góc nhìn 22/01/2018 09:59

Tính GDP chính thức hay không chính thức?

Thực ra, tôi đồng tình với việc thay đổi phương pháp tính GDP, mở rộng thêm cả khu vực kinh tế không chính thức.

Nguyễn Minh Đức

Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Việc này sẽ giúp cung cấp số liệu tốt hơn, phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế Việt Nam để đưa ra chính sách phù hợp.

Chỉ đơn cử một ví dụ, khi gặp khủng hoảng kinh tế. Thường những khu vực kinh tế chính thức chịu ảnh hưởng nặng nhất, còn khu vực không chính thức lại là bệ đỡ tốt. Nếu không biết được bệ đỡ này to nhỏ thế nào, vững chắc hay không vững chắc thì những tính toán điều hành vĩ mô có thể sẽ sai lệch.

Còn rất nhiều những lợi ích khác của việc thống kê kinh tế không chính thức như: tính toán chính xác hơn tỷ lệ thất thu thuế, thu nhập bình quân đầu người,... thậm chí còn là một trong những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả phòng chống tội phạm.

Nhưng nếu cộng cả phần kinh tế không chính thức vào để tăng mẫu số, từ đó tăng trần nợ công thì cần hết sức cẩn trọng.

Thứ nhất, Quốc hội quyết trần nợ công dựa trên phương pháp tính GDP hiện nay, và nếu đổi phương pháp tính GDP thì phải tính toán lại trần nợ công.

Thứ hai, quan trọng hơn, chỉ tiêu an toàn nợ công là giới hạn ngưỡng an toàn khả năng trả nợ của Chính phủ. Mà khả năng trả nợ của Chính phủ dựa trên khả năng thu thuế. Nói một cách khái quát, GDP nhân với thuế suất trung bình thì ra tổng thu. Mà thuế suất trung bình thì Nhà nước điều chỉnh được. 

Nhưng Nhà nước chỉ có thể thu thuế trên phần GDP chính thức, còn GDP không chính thức thì không bao giờ thu thuế được, bất kể có điều chỉnh chính sách thuế như thế nào đi chăng nữa. Vì thế mà tính cả GDP không chính thức vào để làm cơ sở cho tính toàn trần nợ công thì có thể làm tăng rủi ro tài chính quốc gia.

Giải pháp tốt nhất là trong những năm đầu khi điều chỉnh cách tính vẫn cứ báo cáo GDP theo cả 2 dạng, GDP chỉ gồm khu vực chính thức và GDP bao gồm cả khu vực không chính thức. Tuỳ từng mục đích mà sử dụng số liệu tương ứng cho phù hợp. Sau vài năm hiệu chỉnh toàn bộ chính sách theo cách tính mới.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *