Góc nhìn 22/03/2018 22:18

Thiết kế chính sách yếu vì chỉ "chém gió", "nêu vấn đề"

Việt Nam thua các nước ở hai điều là thiết kế và thực thi chính sách. Thiết kế chính sách yếu vì chủ yếu "chém gió", "nêu vấn đề". Nếu hiện thực hoá được thì phải thiết kế tốt, trong khi đó ý tưởng cũng chỉ là cái khởi đầu, còn thực thi muốn được phải có giám sát, có chế tài...

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Việt Nam đang tỏ rõ sự yếu kém về xây dựng chính sách trong trung và dài hạn, thậm chí ngay cả trong ngắn hạn cũng không vạch ra được kịch bản để có cách ứng phó và dự trù.

Ngoài các chính sách ứng phó tích cực có hiệu quả, tôi cho rằng khâu thiết kế chính sách của nhiều bộ, ban ngành của Việt Nam còn hời hợt, yếu kém chỉ "chém gió”.

Vì sao như vậy, vì chúng ta có ý tưởng nhưng hời hợt, vì chúng ta không bao giờ hỏi tại sao sự việc nó xảy ra như vậy mà chúng ta luôn hỏi làm thế nào để thích ứng được với sự thay đổi ấy.

Các nhà làm chính sách thay vì đau đáu, chúng ta lại hời hợt, thay vì tìm gốc gác, nguyên nhân của vấn đề lại đi vào phần nổi của vấn đề.

Kinh tế Việt Nam 2018 nhiều người nói tích cực, nhà đầu tư dự báo rất hứng khởi. Tại một hội nghị mới đây, trên 70% các đại biểu cho rằng tăng trưởng Việt Nam trên 7% và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt trên 1.200 điểm.

Hứng khởi là tốt nhưng ở đây chúng ta phải chỉ ra vấn đề của kinh tế thế giới và trong nước đã, đang và sẽ gặp phải để có đối sách hợp lý. Ví dụ như chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, xen lẫn với đó là các cú sốc có thể xảy ra đối với thị trường tài chính, tiền tệ... Nếu nhìn ra được trước những khó khăn, chúng ta mới có biện pháp để mổ xẻ và xây dựng các kịch bản, ứng phó mọi tình huống chứ không rơi vào chủ nghĩa lạc quan thái quá.

Tăng trưởng năm qua đều tốt, chế biến chế tạo tăng trưởng 28% là cực tốt. Tăng trưởng một phần từ xuất khẩu, do FDI. Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận vẫn chưa đủ bởi đóng góp FDI vào tăng trưởng chiếm lớn, trong khi kinh tế tư nhân kém.

Chỉ xét trên thị trường chứng khoán, tính thanh khoản, lợi nhuận các doanh nghiệp nhỏ đều giảm, vậy đằng sau là cái gì? Các doanh nghiệp Việt có phải thôi không làm nữa hay tạm dừng, phá sản mà chúng ta không biết, không tính. Tăng trưởng GDP hiện như miếng bánh chỉ dành cho ông to, doanh nghiệp lớn.

Tôi tin rằng nếu chúng ta bỏ Samsung ra khỏi nền kinh tế và tác động tăng trưởng của Việt Nam, còn lại chỉ có các DN Việt Nam với nhau thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam không có gì quá đặc sắc. Nói vậy không phải là chê xấu, mà chúng ta phải nhìn rõ thực tế các doanh nghiệp Việt đang rất khó khăn.

Người làm chính sách nên có đánh giá tích cực để cổ vũ phát triển nhưng cũng rất thận trọng bởi chúng ta còn có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, nhất là phải tính được đường dài.

Xử lý cái cũ nhưng cũng phải điều chỉnh ngay cái mới. Hôm nay (22/3) Việt Nam đưa ra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để đánh giá, nhưng đi đến đâu. Muốn làm thành phố thông minh thì PCI chẳng để làm gì, cách nhìn nhận là cần phá bỏ mọi rào cản, tự do kinh doanh đi.

Nhiều năm gần đây Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mức lương dành cho lao động chất lượng cao tại Việt Nam rất cao nhưng lực lượng này luôn rất hiếm. Vì thế, làm sao để lao động Việt Nam có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và là lợi thế để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là câu hỏi cần các nhà hoạch định chính sách có lời giải.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *