Góc nhìn 29/11/2017 07:28

Lỗi đánh máy

Vụ Thông tư 45 về giấy tờ lên máy bay đã được kết luận là "lỗi đánh máy" và sẽ có người bị kỷ luật.

Nguyễn Minh ĐứcBan Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thực ra, chuyện mắc những lỗi như vậy trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật không phải là hiếm gặp. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo quan sát cá nhân, nếu rà kỹ, tỷ lệ mắc lỗi kỹ thuật, lỗi đánh máy cũng phải cỡ 100 điều luật sẽ gặp 1 lỗi. Cấp Hiến pháp chưa thấy sai sót, cấp Luật thì thỉnh thoảng gặp, cấp Nghị định và Thông tư thì đầy rẫy.


Đa số những trường hợp này không gây hệ quả lớn. Ví dụ như một quy định dẫn chiếu theo kiểu "theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định này" nhưng đến khi mở Điều 10 ra thì không có khoản 5. Đúng ra phải là khoản 5 Điều 11. Lỗi này là do đánh số Điều luật bị nhảy giữa các phiên bản.
Vụ việc lớn nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này có lẽ là Bộ luật Hình sự 2015 với 96 "lỗi kỹ thuật". Nghe nói là cũng có nhiều người bị kỷ luật sau vụ này.
Đọc nước ngoài mới thấy chuyện này cũng không hi hữu. Quốc hội Mỹ năm 1872 từng thông qua một điều luật về những mặt hàng miễn thuế nhập khẩu, trong đó có từ "foreign fruit-plants" có nghĩa là "cây ăn quả nước ngoài", bị viết nhầm thành “foreign fruit, plants” có nghĩa là "cây, hoa quả nước ngoài". Thiệt hại với ngân sách Mỹ lúc đó là 2 triệu đô la, quy đổi ra hiện nay là khoảng 40 triệu đô.
Ngay chiều nay tôi ngồi đọc dự thảo Quyết định của Thủ tướng về biểu cơ cấu giá điện cũng có một chỗ ghi là "điện hạ áp: dưới 0,1kV". Tôi mới hỏi đồng nghiệp 0,1kV có phải là 100V không? Có ai bán điện 100V không? Gọi sang cho người soạn thì bảo là "lỗi đánh máy", đúng ra là 1kV.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *