Góc nhìn 19/05/2018 15:34

Chuyện những người vắng mặt

Bộ tài chính nói tăng 4000đ/lít xăng, các báo xúm vô tính, vậy là người dân phải tốn thêm 130.000 đồng/tháng (6 USD). Ít xịu…! Nhưng không ai tính xem 4.000 đồng đó đi vào nhiên liệu vận hành máy, tiền vận chuyển,…thì làm tăng chi phí bao nhiêu?

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao

Số tiền 4.000 đồng đó đi vào nhiên liệu vận hành máy, tiền vận chuyển thì làm tăng chi phí bao nhiêu, cho mỗi nhà máy, cho hơn 500.000 doanh nghiệp? Giá sản phẩm ắt tăng, khách hàng ắt chọn SP giá tốt hơn, và dĩ nhiên sức cạnh tranh của hàng Việt rớt thêm, và cuối cùng là nền kinh tế yếu đi chút nữa. 

Vậy mà sao không ai tính đến điều đó? Khi quyết tăng mức thu bảo hiểm, tăng giá điện, tăng giá xăng, tăng giá (không gọi là phí) và đặt thêm trạm BOT, có ai tính tới những thứ đổ ập lên đầu doanh nghiệp không? 

Hay họ vẫn luôn là người vắng mặt, vô hình, vô ảnh, vô thanh, chỉ xuất hiện khi đóng thuế, phí, mua xăng, mua điện? Chuyện không của riêng ai, doanh nghiệp A hay B hay X,Y,Z họ đều phải sống, họ phải tính, ráng trụ, không trụ nổi thì đóng băng chờ hay chuyển ngành, thậm chí chuyển ra đầu tư nước ngoài, nhưng suy cho cùng tất tất đều là chuyện của nền kinh tế. 

Bà Đặng Minh Phương, TGĐ Công ty logistic Minh Phương nêu rõ. Hiện nay, chi phí logistic chiếm 20-25% GDP, tức 40 tỉ USD của GDP 200 tỉ USD. Và hậu cần đang là cái khó rất lớn trong cạnh tranh của DN. 

Một xe tải chạy Hải Phòng - Hồ Chí Minh, chi phí nhiên liệu chừng 6 đến 7 triệu đồng, thì phí cầu đường, BOT hết 8 triệu đồng, chưa kể những khoản phí không tính được. Vận chuyển hàng đường biển qua Bangkok rẻ hơn đi đường bộ.

Hai câu chuyện được bàn nhiều là: DN Thái thâu tóm DN Việt và hàng Thái lấn lướt hàng Việt ngay trên đất mình. Và sự đối xử không bình đẳng giữa DN Việt và FDI. Bên cạnh phân tích chính sách, một doanh nhân trẻ nói vui: “Trước nhất là nạn thanh tra, kiểm tra thì DN FDI không bị, vì...vào công ty họ là phải nói tiếng Anh, phải nói chuyện với luật sư và Hiệp Hội của họ thì lại mạnh!

Phó tổng giám đốc một công ty giày kể với tôi, 10 năm trước, chi phí trả cho lao động chiếm 15% tổng chi phí, giờ đã đến 30%. Mức phí này đang khiến doanh nghiệp tính đường trang bị robot. Anh vừa đi Trung Quốc nghiên cứu thị trường về. Tập Cận Bình có một chỉ đạo đang được hiện thật nghiêm, đối với DN: tuyệt đối cấm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và hộ cá thể. 

Tháng 11 tới đây, TQ sẽ tổ chức lần đầu tiên hội chợ các nhà nhập khẩu. Thuế của họ cao lắm: 21% thuế nhập khẩu và 17% thuế VAT, tiểu ngạch thì nhỏ và đang siết lại. Đó là rào cản công khai họ không ngại công khai bảo vệ sản xuất, nhưng còn có những chế độ, chính sách giúp đỡ cho doanh nghiệp thì vô cùng nhiều, tinh vi, khôn ngoan và thi hành bền bĩ, ráo riết. 

Chuyện Trung Quốc hay “jouer papa” (tiếng bồi, DN nói đùa nạn ông Tàu hay “chơi cha”) với đối tác thì còn dài, bẫy quà cáp, bẫy nợ, bẫy lợi ích, trò mua không được phá cho tan, trò mua – cướp cả người tài lẫn công nghệ...phải phân tích nhiều chiều, nhưng có một điều quá rõ, ta phải học: mọi chính sách đều nhằm ủng hộ DN nội địa hay DN nước ngoài gốc Trung Quốc, lấy đó làm căn gốc cho phát triển kinh tế của họ. 

Mà không chỉ Trung Quốc, tất cả các nước Asean hiện nay cũng đều lấy việc chăm lo, hỗ trợ, khoan sức doanh nghiệp. Để rồi từ đó, doanh nghiệp có làm ăn tốt thì nền kinh tế mới tốt, từ đó mới tăng thu, gọi là “thu sỉ”. Chứ họ không tìm cách lột, trấn, thu trên bàn - dưới bàn của doanh nghiệp kiểu “thu lẻ” mà thiệt hai cho cái chung trăm bề.

Nền kinh tế mạnh yếu, sức canh tranh tăng giảm là điều có thật. Nhưng phải chăng doanh nhân và chuyện làm ăn của họ lại luôn vắng mặt trên bàn nghị sự, thay vì họ được góp ý bàn hơn - thiệt - được thua khi có những quyết định ảnh hưởng chuyên kinh doanh của họ.

Chuyên mục: Góc nhìn
Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hạnh từng là một trong những Tổng Biên tập nổi tiếng của báo Tuổi trẻ. Hiện nay bà về hưu và trở thành Chủ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *