Góc nhìn 08/01/2018 08:31

Chính sách luôn tốt nhưng thực thi không mấy khi tốt

Lâu nay ở Việt Nam, chính sách lúc nào cũng tốt nhưng hành động, thực thi chính sách thì không mấy khi tốt.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng

Năm 2017 là một trong số ít những năm mà nước ta thành công về thực thi chính sách tiền tệ trong khu vực tài chính bao gồm cả ngân hàng. Cụ thể, thành công ở đây không phải là đưa ra chính sách tốt mà là hành động thực thi chính sách tốt.

Lâu nay, chính sách của Việt Nam tốt nhưng hành động lại không mấy khi tốt. Nhưng năm 2017 chúng ta đã kiên định với mục tiêu dài hạn, không để cho mục tiêu ngắn hạn và thành tích chính trị phá bỏ mục tiêu dài hạn. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao điều này.

Tuy nhiên, về thách thức trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam cần quan sát cẩn trọng hơn về tình hình quốc tế và gỡ bỏ hạn chế kiểm soát tài chính ngân hàng.

Đáng nói, hiện nay, hai yếu tố nước ta đang yếu nhất là vốn và nhân lực. Và cả hai yếu tố này hoà quyện với nhau sẽ thành đại yếu.

Khi đó, muốn đưa công nghệ mới vào cũng khó mà muốn nâng cao kỹ năng quản lý càng khó hơn dẫn đến tiệm cận chuẩn mực quốc tế về quản trị rất khó khăn.

Do đó, đây là vấn đề lâu dài mà chiến lược phát triển quốc gia cần quan tâm làm thế nào để doanh nghiệp (DN) có sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó là rủi ro về chính quyền. Nói như Thủ tướng là “trên nóng dưới lạnh” nhưng thật ra vẫn như cũ, rủi ro chính quyền còn lớn, chi phí để DN chống đỡ rủi ro chính quyền còn cao và chúng ta mất quá nhiều thời gian để giải quyết điều này cho nên kéo theo ngân sách và nợ công. Đó là những thách thức trước mắt với Việt Nam.

Thêm nữa, liệu chúng ta có nên nghiên cứu xem giảm được lãi suất tiền gửi không. Nhưng nếu giảm được lãi suất tiền gửi thì sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng. Từ đó, dân sẽ “vác” tiền đi mua vàng, USD.

Đáng chú ý, nợ xấu chỉ là một phần, còn chi phí quá cao của chính quyền, tham nhũng, lãng phí,... mới là nguyên nhân chính làm lãi suất ngân hàng tăng cao. Nhìn vào chi phí vốn của ngân hàng sẽ thấy điều đó và năm tới cần tập trung nguồn lực để giảm nó.

Suy cho cùng, những chính sách của lĩnh vực này không quan trọng bằng cách thức chúng ta thực hiện nó. Kỳ vọng năm 2018 là năm hành động chính sách và tiền tệ nhằm vào mục tiêu dài hạn.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *