Vàng nữ trang gian nan vào sân chơi mới

Tạo sự cạnh tranh bình đẳng bởi mẫu mã sáng tạo chứ không bởi ăn gian chất lượng, khối lượng.

Ngày 28-5, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM (SJA), cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã trả lời chính thức là sẽ không giãn thời gian thực hiện Thông tư 22 (TT22) theo đề xuất của SJA trong tháng 4-2014. Như vậy nghĩa là ngày 1-6, vàng trang sức mỹ nghệ được áp theo chuẩn chất lượng của TT22 mà Bộ Khoa học và Công Nghệ ban hành.

 

Hàng nữ trang tồn kho rất lớn

 

Theo quy định này vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Doanh nghiệp (DN) phải công bố chất lượng, đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm… mới được lưu thông trên thị trường.

 

Tuy nhiên, đến nay giới kinh doanh vàng cho biết chỉ số ít các DN lớn, kinh doanh bài bản hiện nay đáp ứng các yêu cầu về kiểm định và đo lường còn đa số DN nhỏ lẻ đều không thể thực hiện. DN cũng đã lên tiếng họ đang gặp khó với số lượng vàng nữ trang tồn kho rất lớn.

 

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), cho rằng tám tháng kể từ ngày ban hành đến khi có hiệu lực không phải là thời gian ngắn. Nhưng phải nói rằng nếu chuyển đổi theo đúng chuẩn này thì DN thiệt hại về mặt tiền bạc rất lớn. Hiện nay khối lượng hàng tồn nữ trang còn lớn ở nhà sản xuất cũng như DN kinh doanh vàng. Nếu đem tất cả số này đi nấu lại thì rất tốn tiền. Còn nếu chọn cách không nấu lại mà ghi lại số vàng này sao cho đúng khối lượng, chất lượng vàng… thì cũng giống như “lạy ông tôi ở bụi này” rất phức tạp.

 


 Các DN kinh doanh bài bản mới đáp ứng được theo Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: YÊN TRANG

 

“Ví dụ một DN ở Lê Thánh Tôn, quận 1 thông thường họ lấy hàng ở nhiều nhà sản xuất khác nhau chứ không bao giờ là một nơi. Đấy là chưa kể họ còn mua lại của người dân và thêm nữa là hàng nhập khẩu. Bây giờ yêu cầu nhà sản xuất công khai nữ trang này là của nhà sản xuất nào… chưa chắc nhà sản xuất họ chịu. Họ không chịu bởi vì tôi bán cho anh từ vài tháng trước rồi, bây giờ anh bán đi mua lại hàng dỏm rồi quản lý thị trường đến kiểm tra thấy sản phẩm không đạt chất lượng thì sao?” - ông Hải phân tích.

 

Liệu có lách luật?

 

Theo ông Hải, vì mặt trái của việc khi tăng cường kiểm tra thì nhiều DN sẽ tìm cách đối phó. Trước mắt họ có thể cất hàng 1-6 trước đi và chỉ bán sản phẩm đúng nhãn mác, khối lượng, chất lượng… một vấn nạn cần phải đặt ra lúc này theo ông Hải, giả sử sau ngày 1-6 DN vẫn dùng các mặt hàng trước ngày 1-6 và bán theo chất lượng và khối lượng sau ngày 1-6 thì sao trong khi công cụ giám sát của người tiêu dùng không có.

 

“Đây là vấn nạn đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng, thái độ ứng xử của người tiêu dùng cũng như lương tâm của nhà sản xuất nữ trang. Thông tư này đã đưa ra một hành lang pháp lý rõ ràng yêu cầu các DN thực hiện đúng cam kết chất lượng khối lượng của mình. Có như thế chúng ta mới có sân chơi bình đẳng, để làm sao người này hơn người kia là ở sự sáng tạo chứ không phải hơn vì ăn gian chất lượng, khối lượng” - ông Hải nói.

 

Theo ông Dưng, mặc dù khó khăn nhưng DN cũng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi DN có hàng ngàn món đồ, nếu bây giờ nấu lại mất rất nhiều tiền và lỗ nặng bởi chi phí công cán, mẫu mã… Vậy nên đa số mỗi DN phải tự điều chỉnh, có thể là ghi lại tuổi vàng, giá vàng” - ông Dưng nói.

 

 

Phạt nặng nếu ghi sai số vàng nữ trang

 

Nghị định 80 của Chính phủ quy định việc sản xuất vàng nữ trang không đáp ứng tiêu chuẩn công bố tùy từng trường hợp, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cụ thể tùy trường hợp. Mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng và tối đa là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt lại gấp 40 lần/sản phẩm. Nghĩa là nếu một món nữ trang có giá vài trăm ngàn đồng, nếu chỉ sai một chỉ số thì cũng có thể bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

 

Người tiêu dùng khó kiểm tra

 

Theo quy định của TT22 thì giới hạn sai số của vàng nữ trang là 0,1% với hàm lượng vàng từ 99,9% trở lên, 0,2% với hàm lượng vàng từ 80% đến dưới 99,9%; 0,3% với hàm lượng vàng dưới 80%. Vì thế hàng triệu sản phẩm vàng nữ trang trên thị trường hiện nay sẽ không đủ chuẩn để lưu hành. Với sai số này một DN vàng cho rằng việc xác định những sai số trên chỉ có thể làm được ở các phòng thí nghiệm, xét nghiệm chứ người dân bình thường, hay ngay cả giới vàng cũng không thể nhận ra được.

 

Theo Yên Trang

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Vàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *