Giá vàng “đồng lòng” đi xuống, chênh lệch cao vút

FICA-Sáng nay 21/7, mở đầu tuần giao dịch ới, giá vàng trong nước đi xuống theo tín hiệu của thị trường châu Á. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường vẫn lên tới 3,3 triệu đồng/lượng.

Lúc 9h sáng nay 21/7, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 36,75 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,8 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 36,76 triệu đồng/lượng - 36,8 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

So với chốt phiên cuối tuần qua, giá vàng SJC tại hai thành phố lớn qua niêm yết của DOJI điều chỉnh giảm mỗi chiều 30.000 đồng/lượng.

Báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý cho thấy, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 36,75 triệu đồng/lượng - 36,79 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ mỗi chiều 40.000 đồng/lượng và 30.000 đồng/lượng.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty VBĐQ Sài Gòn ở mức 36,7 triệu đồng/lượng - 36,82 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Dù điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 3,3 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, lúc 9h5 sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm gần 2 USD, giao dịch ở mức 1.309 USD/ounce.

Phục hồi mạnh vào cuối tuần, giá vàng thế giới tuần qua vẫn không thể đảo ngược xu hướng đi xuống và giảm 2,1%. Sở dĩ giá vàng giảm mạnh là do hoạt động chốt lời sau khi giá đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3 trong tuần trước. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quyết định hiện thực hóa lợi nhuận trước phiên điều trần tại quốc hội Mỹ của chủ tịch Fed Janet Yellen.

Tuần này, dù sức mua vàng vật chất vẫn trầm lắng, căng thẳng địa chính trị được cho là yếu tố có thể khiến giá vàng đi lên.

Nhận định về giá vàng thế giới tuần này, 11/25 chuyên gia được Kitco khảo sát nhận định giá sẽ đảo chiều tăng, nhưng cũng có 9 ý kiến tin vào điều ngược lại. 5 chuyên gia cho rằng vàng sẽ đứng giá.

Tuần qua, thị trường vàng thế giới đã có những tranh cãi nhất định về phản ứng của giá kim loại quý này trước hai sự kiện liên tiếp là máy bay Malaysia bị bắn hạ tại Ukraine, và cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.

Một mặt, các thành viên thị trường nhận định các sự kiện địa chính trị sẽ giúp hỗ trợ cho giá vàng. Nhưng mặt khác, các thành viên lại tỏ ra hoài nghi khi giá không thể tăng vọt sau 2 sự kiện lớn.

Thông thường, các đợt tăng giá do yếu tố địa chính trị thường không kéo dài, nhưng hiện thị trường có nhiều điểm nóng cần chú ý, từ căng thẳng Nga - Ukraine tới chương trình hạt nhân Iran, chiến sự tại Iraq và các cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas ở Gaza.

George Gero, phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại quý tại công ty RBC Capital Markets Global Futures  cho rằng: “Tất cả những vấn đề địa chính trị đang tồn tại có thể hỗ trợ cho giá vàng. Tôi nghĩ điều này sẽ diễn ra”.

Colin Cieszynski, một nhà chiến lược thị trường cấp cao tại công ty CMC Markets cho biết ông cũng tin rằng giá sẽ tăng. Bởi theo ông: “Đợt giảm giá đầu tuần qua đã xóa sạch tình trạng mua quá đà từng diễn ra, trong khi đợt tăng giá hôm thứ Năm cho thấy các nhà giao dịch vẫn xem vàng như một “vịnh tránh bão” trước những bất ổn trên thế giới”.

Nhưng ở chiều ngược lại, Afshin Nabavi, trưởng bộ phận giao dịch tại công ty vàng MKS (Switzerland) SA cho biết: “Tin tức không tốt lành xảy ra đã đẩy giá đi lên. Nhưng thị trường đã mất động lực khi bước vào vùng 1.325 USD/ounce. Với tất cả các thông tin địa chính trị tại Ukraine, Trung Đông và Gaza, vàng vẫn không thể vươn lên các mức cao mới. Thông tin một máy bay thương mại bị bắn hạ trên vùng chiến sự lẽ ra đã phải đẩy giá vàng vượt 1.400 USD/ounce, nhưng điều đó không xảy ra”.

An Hạ

Chuyên mục: Vàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *