Tài chính ngân hàng 07/04/2020 09:32

Tình hình dịch bệnh phức tạp, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm

Theo SSI Research, số NHTM giảm biểu lãi suất huy động cũng tiếp tục mở rộng, tuy vậy, mức giảm tổng cộng từ đầu tháng 3 đến nay chỉ từ 30-50 điểm%, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức giảm lãi suất cho vay.

Báo cáo của Khối phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho hay, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 20.836 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 3.5%/năm. Đây là đợt phát hành OMO đầu tiên sau hơn 3 tháng liên tục gần như không có giao dịch.

Kênh tín phiếu không phát sinh giao dịch mới, số dư giữ nguyên ở mức 147 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản trên liên ngân hàng bớt dồi dào, đặc biệt trong những ngày cuối tuần do nhu cầu tiền đồng để đảm bảo dữ trữ bắt buộc đầu tháng.

Lãi suất trên liên ngân hàng tăng lên, chốt tuần ở mức 3.32%/năm (tăng 114 điểm%) với kỳ hạn qua đêm và 3.44%/năm (tăng 117 điểm%) với kỳ hạn 1 tuần; chênh lệch lãi suất VND-USD nới rộng lên 2.2-2.4%/năm.

Thực hiệnchỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020, nhiều NHTM đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 0.5-2%/năm so với trước dịch đối với cả khoản vay hiện hữu và vay mới từ 1/4/2020 để hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời hạn áp dụng kéo dài đến 30/9/2020.

Như vậy, vùng lãi suất cho vay sẽ giảm từ 9-11%/năm xuống khoảng 7-9%/năm, cá biệt một số NHTM áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ 4.5-5%/năm với những khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu.

Theo SSI, số NHTM giảm biểu lãi suất huy động cũng tiếp tục mở rộng, tuy vậy, mức giảm tổng cộng từ đầu tháng 3 đến nay chỉ từ 30-50 điểm%, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức giảm lãi suất cho vay. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 

Trên thị trường ngoại hối, diễn biến dịch bệnh vẫn là tâm điểm chi phối thị trường toàn cầu. Trong tuần qua, số lượng người nhiễm đã vượt 1 triệu người trong đó dẫn đầu là Mỹ với hơn 300 nghìn ca và vẫn đang tăng không ngừng, tâm lý e sợ rủi ro vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Trong tuần Mỹ cũng đón nhận hàng loạt thông tin kinh tế kém tích cực như chỉ số PMI sản xuất tháng 3 giảm xuống 48.5, số lượng đơn trợ cấp thất nghiệp tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh từ 3.5% lên 4.4%.

Tuy vậy, với vai trò là đồng tiền thanh toán và dự trữ toàn cầu, đồng USD vẫn tăng, chỉ số DXY tăng từ 98.3 lên 100.6, hầu hết các đồng tiền giảm giá với USD trong tuần qua, trong đó EUR và GBP giảm lần lượt là 3.05% và 1.53% so với tuần trước.

CNY của Trung Quốc là một trong số ít các đồng tiền gần như đi ngang (tăng 0.07% so tuần trước đó), dịch bệnh được khống chế đã giúp chỉ số PMI sản xuất của nước này có bước tăng rất mạnh từ 40.3 của tháng 2 lên 50.1 trong tháng 3. Trong tuần, PBOC cũng hạ lãi suất OMO kỳ hạn 7 ngày từ 2.4% xuống 2.2% - mức giảm mạnh nhất trong 5 năm qua và là lần giảm thứ 3 kể từ 11/2019 để kích thích nền kinh tế.

 

Trong tuần, tỷ giá giao dịch USDVND giảm trên cả ngân hàng và tự do. Cụ thể, tỷ giá giảm 70 VND/USD ở chiều mua vào và 50 VND/USD chiều bán ra trên ngân hàng, xuống mức 23.440/23.650; giảm 70 VND/USD trên thị trường tự do, về mức 23.650/23.750.

Ngày 24/3/2020, NHNN đã giảm mạnh (giảm 239 VND/USD) tỷ giá bán xuống 23.650 đ/USD và giữ nguyên cho đến nay. NHNN cũng đưa thông điệp sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường.

Theo SSI, hiện tại, cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, chênh lệch lãi suất VND-USD trên ngân hàng khá cao (1.4-1.6%/năm), diễn biến dịch bệnh trong nước có các tín hiệu tích cực, tỷ giá tuần này nhiều khả năng vẫn duy trì trong vùng hiện tại.  

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *