Tài chính ngân hàng 07/03/2019 11:47

Tâm lý thị trường lạc quan hơn, đồng USD vẫn chịu áp lực mất giá

Chuyên gia SSI dự báo, với cung ngoại tệ tốt, mặt bằng tỷ giá sẽ duy trì ổn định quanh mức 23.200đ/USD. Tuy vậy diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tỷ giá CNY sẽ vẫn là một ẩn số cần lưu tâm.

Công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt nam tháng 2/2019 với tên gọi "Khởi đầu thuận lợi cho năm mới". Theo đó, báo cáo cho biết, đối đầu thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Brexit vẫn là những nhân tố chính ảnh hưởng đến biến động của thị trường trong tháng 2.

Theo SSI, kịch bản tồi tệ nhất là Brexit không thỏa thuận vào 29/3 và Mỹ chính thức tăng thuế bổ sung vào hàng hóa Trung Quốc từ 1/3 đã không xảy ra hoặc khó có thể xảy ra đã khiến cho các hàng hóa trú ẩn là vàng, JPY và trái phiếu chính phủ quay đầu giảm giá sau khi tăng mạnh trước đó. Cụ thể, giá vàng giảm 2,1% so với đỉnh ngày 20/2/2019, JPY giảm 2,3% so với tháng trước, lợi tức TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm % so với tháng trước, đồng GPB hồi phục khi tăng 1,2% so với USD.

Đồng USD có một tháng đầy biến động, những thông tin tích cực của đàm phán Mỹ - Trung đã hỗ trợ đồng tiền này hồi phục mạnh trong nửa đầu tháng 2 nhưng sau đó quay đầu giảm nhanh khi đón nhận thông tin về chỉ số bán lẻ tháng 12/2018 đáng thất vọng của Mỹ, chỉ số này đã giảm 1,2% - đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009. PMI tháng 2 của Mỹ cũng giảm 2,4 điểm so với tháng 1/2019 và về mức tương đương với tháng 12/2018, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ rõ ràng đã tăng lên, áp lực mất giá với đồng USD là không nhỏ.

Tương quan USD với các đồng tiền chủ chốt

Diễn biến giá các tài sản trú ẩn

Nguồn: Bloomberg

Nguồn: Bloomberg

Lãi suất trên liên ngân hàng nhanh chóng hạ nhiệt trong khi lãi suất huy động vẫn neo cao

SSI cho biết, sau giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, NHNN nhanh chóng hút mạnh tiền về thông qua kênh OMO khi chỉ mua kỳ hạn 61.449 tỷ đồng và có tới 195.097 tỷ đồng đáo hạn, lượng hút ròng lên tới 133.648 tỷ đồng, khối lượng OMO lưu hành giảm liên tục từ hơn 150 nghìn tỷ đồng về mức gần 19 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, kênh tín phiếu vẫn không phát sinh giao dịch và số dư bằng 0. Lượng tiền lưu thông quay trở về hệ thống và việc bán USD cho dự trữ ngoại hối đã gia tăng thanh khoản cho các NHTM. Lãi suất trên liên ngân hàng giảm từ mức 4.9% trước Tết về 4%/năm với kỳ hạn qua đêm và giảm từ 5.05% về 4.3%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Lãi suất USD trên liên ngân hàng cũng giảm nhẹ về mức 2,47%/năm, chênh lệch lãi suất VND-USD dao động trong khoảng 1,5%-1,7%/năm, giảm so với mức 1,8%-2,4%/năm của tháng 01/2019.

Theo thông tin từ Bộ tài chính, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN 2 tháng đầu năm 2019 là 16.2 nghìn tỷ đồng, tương đương 3.9% kế hoạch do Quốc hội giao. Sau đợt nghỉ lễ dài và việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư cho các dự án đã hoàn tất, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng lên trong thời gian tới, lượng tiền của KBNN gửi tại các NHNN sẽ có xu hướng giảm bớt nên thanh khoản cũng bớt thuận lợi như tháng vừa qua. Thêm vào đó, việc duy trì chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức hợp lý sẽ hạn chế nhu cầu nắm giữ USD nên nhiều khả năng lãi suất trên LNH sẽ dao động trong khoảng 4%/năm với kỳ hạn qua đêm.

Với lãi suất huy động thị trường 1, các kỳ hạn ngắn đã được điều chỉnh giảm ở nhiều ngân hàng, hiện duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có sự điều chỉnh trái chiều khi có ngân hàng giảm nhưng cũng có ngân hàng tăng, phụ thuộc vào nhu cầu cân đối vốn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của từng ngân hàng. Khoảng chênh lệch lãi suất vì thế cũng dãn rộng hơn, kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 5,5-7,5%/năm và 12,13 tháng là 6,4%- 8%/năm.

Bên cạnh yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu về vốn của NHNN có hiệu lực từ 1/1/2019 thì các tháng 3 thường là tháng tăng tốc giải ngân tín dụng để thực hiện mục tiêu quý 1 nên nhu cầu huy động vốn cao, mặt bằng lãi suất khả năng vẫn được duy trì ổn định ở mức hiện tại.

Lãi suất LNH qua đêm và khối lượng OMO lưu hành

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng

Nguồn: Bloomberg, NHNN

Nguồn: SSI tổng hợp

Cung cầu USD thuận lợi, tỷ giá ổn định

Trong tháng 2 vừa qua, NHNN vẫn tiếp tục mua vào USD dù khối lượng không nhiều như tháng trước. Các NHTM khá tích cực bán USD về NHNN khi tỷ giá mua vào được giữ nguyên ở mức 23.200 – mức cao hơn tỷ giá mua vào của các NHTM 2 tháng gần đây. Tỷ giá giao dịch dao động trong biên độ hẹp trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, kết thúc tháng giảm nhẹ 10đ so với cuối tháng trước, ở mức lần lượt là 23.150/23.250 và 23.190/23.210. Tỷ giá trung tâm tiếp tục được nâng lên 47đ/USD, tính chung tỷ giá này đã tăng thêm 90đ/USD trong 2 tháng đầu năm.

Lượng FDI giải ngân 2 tháng đầu năm thông thường sẽ thấp hơn hẳn các tháng sau nhưng trong 2 tháng đầu năm 2019, FDI giải ngân ở Việt Nam đã đạt 2.58 tỷ USD, +9.8% YoY – mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Đây là dấu hiệu tích cực và dự báo nguồn cung USD tháng 3 sẽ tiếp tục dồi dào nhờ cả nguồn vốn FDI và FII. Nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 2 đã tăng mạnh giá trị mua ròng trên thị trường chứng khoán với dòng tiền mới chỉ tính riêng ở các quỹ ETF là xấp xỉ 2 nghìn tỷ.

"Với cung ngoại tệ tốt, mặt bằng tỷ giá sẽ duy trì ổn định quanh mức 23.200đ/USD. Tuy vậy diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tỷ giá CNY sẽ vẫn là một ẩn số cần lưu tâm", SSI nhận định.

Phương Dung

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *