Tài chính ngân hàng 06/12/2018 08:00

Quỹ học bổng cho sinh viên: Nhiều nhưng đã đủ chất?

Học bổng hay các chương trình khuyến học ngày càng thu hút được sự quan tâm từ xã hội, đặc biệt từ các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đa phần các chương trình học bổng hiện nay vẫn dừng ở phương án hỗ trợ tài chính, hình thức này dù mang lại những lợi ích nhất định nhưng không hẳn đã là một phương án tối ưu nhất.

Học bổng – hình thức khuyến khích học tập với những cá nhân xuất sắc, là một trong những ước mơ của không ít sinh viên khi ngồi trên giảng đường. Để được nhận học bổng, những sinh viên cần có kết quả học tập xuất sắc, thường trong nhóm 3-10% những sinh viên đứng đầu một khoa hoặc trong trường, cùng với việc tích cực tham gia hoạt động của đoàn trường, hay nói nôm na là điểm rèn luyện.

Có nhiều loại hình học bổng khác nhau, từ quỹ học bổng của trường, những tổ chức khuyến học cho đến sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét về hình thức cấp học bổng, phổ biến nhất hiện nay vẫn là hỗ trợ về mặt tài chính. Hình thức cấp học bổng này, tất nhiên, cũng đem lại những lợi ích nhất định. Đó là việc giảm bớt áp lực tài chính, nâng cao điều kiện học tập hoặc tạo nguồn lực khác để phục vụ việc học. Tuy nhiên, việc cấp học bổng bằng tài chính, trong nhiều trường hợp, không hẳn đã là một phương án tối ưu nhất.

 

Nhật Anh, sinh viên năm 3 một trường đại học chuyên ngành kinh tế tại Hà Nội cho rằng, học bổng là động lực giúp các bạn sinh viên ganh đua nhiều hơn trong học tập, tuy nhiên khi bước ra ngoài xã hội, học lực cao chưa hẳn đã là điều kiện quan trọng nhất quyết định một công việc.

“Không ít những bạn sinh viên được học lực xuất sắc trong bốn năm học nhưng ra trường vẫn chịu cảnh thất nghiệp. Điều này cũng giống như câu chuyện cho con cá hay cho chiếc cần câu, đôi khi tài chính chưa phải là yếu tố hỗ trợ tốt nhất”, Nhật Anh nói và cho rằng, hiện nay những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm thực tế thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả những thành tích xuất sắc trong học tập.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê phối hợp Bộ LĐ-TB-XH công bố đến cuối tháng 6/2018, số người thất nghiệp có trình độ Đại học và sau Đại học tại Việt Nam còn gần 127.000 người (chiếm tỷ lệ 2,47% lực lượng lao động). Tuy nhiên, nếu xét trong nhóm đã có việc làm, tỷ lệ làm trái ngành cũng lên tới gần 60%. Riêng trong nhóm trường kinh tế, không ít sinh viên ra trường phải rẽ ngang sang những lĩnh vực không đúng chuyên môn chỉ vì không đáp ứng được điều kiện về kinh nghiệm, những kỹ năng trong công việc.

Trong lần trả lời báo chí cuối năm 2017, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng một phần lý do khiến sinh viên khó có khả năng tiếp cận thị trường lao động là do kỹ năng mềm còn quá hạn chế. “Kể cả khi đã có việc, không ít trường hợp những cử nhân khi làm việc tại các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại từ đầu do chất lượng đào tạo Đại học thậm chí sau Đại học chưa tương xứng với yêu cầu thị trường”, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá.

Câu chuyện cho “cần câu hay con cá” thường được nhắc tới mỗi khi đề cập đến vấn đề hỗ trợ con người. Việc cho “con cá” thường không đòi hỏi người cho phải đầu tư thời gian và nguồn lực, thực hiện đơn giản và nhanh gọn hơn, vì thế thường được lựa chọn. Nhưng về phía người nhận, việc được tặng “cần câu” sẽ mang lại lợi ích lâu dài và thiết thực hơn. Đây chính là lý do Quỹ học bổng tài năng 2018 của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mang đến hai chương trình học bổng "Tỏa sáng tài năng VPBank" và học bổng VPBank "Home of Talent" với tổng trị giá lên tới gần 1 tỷ đồng.

Học bổng "Tỏa sáng tài năng" dành tặng ứng viên 10 suất học bổng tài năng vàng trị giá 15 triệu đồng và 35 suất học bổng tài năng bạc trị giá 10 triệu đồng mỗi suất. Đối tượng thụ hưởng học bổng lần này là các bạn sinh viên xuất sắc đang theo học năm 3 và năm 4 các khối ngành Kinh tế tại tất cả các trường đại học trên toàn quốc.

Tuy nhiên, tài chính chưa phải phần quà lớn nhất mà VPBank dành tặng các bạn sinh viên toàn quốc. Kèm theo học bổng "Tỏa sáng tài năng" bằng tiền mặt, các bạn sinh viên còn có cơ hội được tuyển thẳng vào làm việc tại VPBank. Cùng với đó là được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp tại ngân hàng, tham gia nhóm "Cộng đồng tài năng VPBank"; tham gia chương trình VPBank Tour và khám phá các hoạt động văn hóa doanh nghiệp của ngân hàng.

“Những vị trí làm việc trực tiếp thực sự là cơ hội tốt với những sinh viên năm cuối tại các trường kinh tế, giá trị hơn nhiều so với những phần thưởng bằng tài chính hay hiện vật”, Minh Thư, sinh viên năm 4 một trường kinh tế tại Hà Nội chia sẻ, “ có được công việc ổn định khi chưa có kinh nghiệm, đối với sinh viên chúng em đúng là cơ hội vàng”.

VPBank hiện nằm trong top những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Cuối quý III năm 2018, Nhà băng này đứng trong top 5 toàn thị trường xét về chỉ tiêu lợi nhuận và đặt mục tiêu nằm trong top 3 ngân hàng giá trị nhất vào năm 2022.

Ngoài giá trị kinh doanh, VPBank cũng là một trong số những ngân hàng rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực tương lai. Từ khâu tuyển dụng đến việc nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc, VPBank hướng tới  mục tiêu trở thành "Home of Talent" - điểm đến lý tưởng của ứng viên tài năng.

Quỹ học bổng Tài năng VPBank 2018 ra đời không chỉ là nguồn hỗ trợ đắc lực về mặt tài chính, mà còn cung cấp cơ hội việc làm chất lượng tại VPBank ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp. Với lộ trình đào tạo và phát triển bài bản, các bạn sinh viên tham gia chương trình sẽ được phát huy năng lực của bản thân, được tiếp thu những kiến thức thực tế từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, để tích lũy hành trang khi trở thành những banker hàng đầu.

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *