Tài chính ngân hàng 13/02/2019 07:48

Ngày vía Thần tài chỉ "vỗ béo" dân buôn vàng

Cứ vào ngày vía Thần tài (mùng 10/1 âm lịch) hàng năm, người dân lại đổ xô mua vàng, thậm chí xếp hàng từ nửa đêm. Các cửa hàng vàng và công ty kinh doanh vàng được dịp “hốt tiền” của dân khi đẩy giá lên cao bán ra với số lượng lớn.

Via_than_tai.jpg

Người dân xếp hàng nửa đêm mua vàng ngày vía Thần tài năm 2018

Cứ đến hẹn lại lên, trước dịp ngày vía Thần tài, giá vàng bị đẩy lên cao so với ngày thường. Các công ty kinh doanh vàng đua nhau ra sản phẩm vàng các loại để phục vụ người dân mua vàng lấy may.

Không biết có may mắn như những thông tin từ các đơn vị kinh doanh vàng tuyên truyền ra hay không nhưng người dân vẫn bất chấp xếp hàng, bống bế con nhỏ từ sáng sớm để đi mua vàng. Thậm chí có gia đình ở tận miền núi cũng xuống Hà Nội vào đúng cửa hàng vàng bán chạy nhất trên phố Trần Nhân Tông để mua cho bằng được chỉ vàng.

Sự lên đồng của một số bộ phận người dân chính là cơ hội kinh doanh của các công ty vàng. Mỗi năm tổng kết bán vàng ngày vía Thần tài, các công ty kinh doanh vàng lại đưa ra con số tăng trưởng và doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng.

 750 tỉ đồng là doanh thu của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tính đến cuối giờ chiều ngày vía Thần tài năm ngoái. Không công bố số liệu cuối cùng nhưng PNJ cho biết đã có 169.000 sản phẩm được bán ra trong ngày vía Thần tài trong đó các sản phẩm vàng may mắn như miếng vàng Tài - Lộc, miếng vàng hình kim khuyển - linh vật của năm - là các sản phẩm bán được nhiều nhất, mang lại doanh thu đáng kể.

Cty vàng bạc đá quý Doji cho biết, ngày vía Thần tài năm 2018 công ty này đã bán ra đến 260.000 sản phẩm trong ngày Thần Tài, tăng 50% so với năm trước, trong đó chủ yếu là các sản phẩm vàng ép vỉ, vàng may mắn.

Công ty Bảo Tín Minh Châu và SJC Sài Gòn cũng cho biết, số lượng bán vàng trong ngày Thần Tài hôm qua tăng đột biến, cao gấp nhiều lần so với ngày thường.

Năm nay, đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị số lượng vàng lớn cho ngày vía Thần tài diễn ra 2 hôm nữa. Và năm nào, doanh nghiệp vàng cũng đưa ra số lượng lớn hơn năm trước ra thị trường.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn "hốt bạc" trên sự mê tín của người dân, nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng cũng bước vào dịp làm ăn khi bán các sảm phẩm vàng như: lắc con heo, vòng tay con heo...

Theo các chuyên gia phong thủy, câu chuyện về ngày “vía" thần Tài được một số người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày “vía" thần Tài, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng đột ngột tăng vọt.

Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Giá vàng trong ngày “vía" thần Tài thường được đẩy lên rất cao, ngay sau đó vài ngày sẽ nhanh chóng giảm hàng trăm nghìn đồng/lượng. Như vậy, may mắn đâu chưa thấy, nhưng mua hôm trước, vài hôm sau đã thiệt hàng trăm nghìn đồng/lượng, thì sao gọi là may mắn?

Chính vì vậy, khuyến nghị đưa ra là người dân không nên đổ xô đi mua vàng trong ngày này, vừa bị mua đắt, lại phải chen lấn ảnh hưởng đến sức khỏe.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói: “Về mặt kinh tế, người mua vàng trong ngày này sẽ tạo nên một làn sóng cầu rất cao, từ đó giá vàng thường đẩy lên rất bất hợp lý. Trong những năm qua, giá vàng đẩy lên vào ngày vía Thần tài sau đó lại giảm rất sâu, gây thiệt hại cho người dân mua trước đó, nếu mua với số lượng lớn. Về kinh tế vĩ mô, việc giá vàng thường được đẩy lên cao trong những ngày này không tác động nhiều tới nền kinh tế cũng như thị trường vàng nhưng về mặt cá nhân, đó là điều bất lợi”.

Theo ông Hiếu, nếu xét về mặt xã hội, người dân mua vàng với quan niệm Thần tài sẽ gõ cửa nhà mình là điều không hợp lý. Còn nếu tin vào ngày đó, người dân có thể mua vàng vào ngày trước đó, sau đó đúng ngày vía Thần tài có thể thắp hương cúng. Nếu muốn mua chính ngày 10 tháng Giêng Âm lịch thì chỉ nên mua lượng nhỏ để lấy may theo quan niệm dân gian, không phải mua nhiều mà nghĩ sẽ được nhiều phúc lợi.

Đầu giờ sáng 12/2, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC đang được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết dao động ở ngưỡng 36,960-37,180 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với phiên giao dịch trước, mức giá theo chiều mua vào tăng 30.000 đồng/lượng, chiều bán ra tăng 50.000 đồng/lượng. Còn giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji được giao dịch ở mức mua vào – bán ra lần lượt là 36,950 – 37,150 triệu đồng/lượng. So với phiên giao dịch trước, mức giá theo chiều mua vào – bán ra tăng 10.000 đồng/lượng.

Theo Ngọc Mai
Tiền Phong

bannerchan-bai.gif

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *