Tài chính ngân hàng 26/08/2020 07:54

Hệ thống thanh toán riêng của Trung Quốc đã có gần 1.000 thành viên

Mạng lưới thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mốc 1.000 thành viên tham gia vào cuối năm nay.

Theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật, Bắc Kinh đang tích cực thu hút thêm các thành viên ở châu Á và dọc theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” vào hệ thống thanh toán riêng của Trung Quốc nhằm thách thức vị thế của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Tính đến cuối tháng 7/2020, đã có 984 tổ chức tài chính, tăng hơn 48% so với cuối năm 2019, từ 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia vào Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc.

Hệ thống này được thành lập vào năm 2015 nhằm toàn cầu hoá đồng nhân dân tệ bằng cách cung cấp các phương thức thanh toán đơn giản hơn cho các bên tham gia.

Theo đó, các thành viên có thể lựa chọn tham gia vào hệ thống CIPS một cách trực tiếp – nghĩa là họ duy trì tài khoản của mình trong hệ thống – hoặc một cách gián tiếp – tức là có thể giao dịch thông qua các thành viên trực tiếp.

Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington càng khiến Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống thanh toán quốc tế riêng của họ.

Theo Nikkei Asian Review, hiện các ngân hàng Nhật Bản như Mizuho, MUFG, Chiba cũng đã trở thành thành viên của hệ thống này.

“Hệ thống này cho phép chúng tôi cung cấp dịch vụ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho các khách hàng trên toàn cầu”, Ngân hàng Mizuho cho hay.

Hơn 70% hoặc 731 thành viên hiện tại của hệ thống CIPS là ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, 124 thành viên ở châu Âu và 37 thành viên ở châu Phi. Trong khi đó, ở khu vực Bắc và Nam Mỹ chỉ có khoảng 40 thành viên.

Điều đặc biệt là hệ thống này hiện diện tương đối nhiều ở châu Phi do tầm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này, đặc biệt là với sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường”.

“Thay vì cạnh tranh với đồng đô la Mỹ, Trung Quốc muốn tăng cường giao dịch bằng đồng nhân dân tệ bằng cách tạo ra một khối kinh tế mới”, ông Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura ở Tokyo nói.

Tuy vậy, đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền chủ chốt trong các giao dịch quốc tế. Hệ thống thanh toán SWIFT hiện mỗi ngày xử lý các giao dịch quốc tế trị giá 5.000 tỷ USD đến 6.000 tỷ USD. Trong đó, 40% là giao dịch thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Trong khi đó, các tài khoản đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 1,95%, mặc dù đứng thứ 3 sau đồng USD và Euro.

Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington càng khiến Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống thanh toán quốc tế riêng của họ. Một số ngân hàng Iran khi bị cắt ra khỏi hệ thống SWIFT từ năm 2018 đã rất khó khăn trong kinh doanh quốc tế.

Tờ Nikkei Asian Review, nếu các ngân hàng Trung Quốc bị cắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, thì bản thân Mỹ cũng có thể đối mặt với một đòn kinh tế lớn do mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa các nước.

Tuy nhiên, luật mới thông qua hồi tháng 7/2020 cho phép Mỹ trừng phạt các tổ chức tài chính có mối quan hệ làm ăn với các cá nhân mà Mỹ cho là làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông. 

Do đó, với tư cách là thành viên của CIPS, các ngân hàng này vẫn có thể tiếp tục giải quyết các giao dịch của Trung Quốc ngay cả khi bị trừng phạt.

Theo nhận định của Nikkei Asian Review, đồng nhân dân tệ không thể thay thế được đồng đô la Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt khi đồng tiền này đối mặt với nhiều hạn chế hơn so với các nền kinh tế phát triển. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục nhanh chóng kể từ đại dịch Covid-19, với GDP tăng mạnh trong tháng 4 đến tháng 6. Trung Quốc cũng đang xuất bị phát hành tiền kỹ thuật số trước nhiều quốc gia lớn khác và hệ thống CIPS được dự báo sẽ ngày càng quan trọng. 

Nhật Linh

Theo Nikkei Asian Review

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *