Tài chính ngân hàng 25/04/2020 13:42

Giá vàng "nhảy múa", làn sóng bán tháo có thể sắp bị kích hoạt

Giá vàng đang "nhảy múa" quanh ngưỡng 1.700 USD/oz trước áp lực đồng USD đạt mức cao trong gần 3 tuần. Ấn Độ - thị trường vàng lớn bậc thế giới phong tỏa đến hết ngày 3.5 làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kích hoạt làn sóng bán tháo vào cuối tuần này.

Giá vàng đang "nhảy múa" quanh ngưỡng 1.700 USD/oz trước áp lực đồng USD đạt mức cao trong gần 3 tuần. Trong khi đó, thông tin Ấn Độ - thị trường vàng lớn bậc thế giới phong tỏa đến hết ngày 3.5 làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kích hoạt làn sóng bán tháo vào cuối tuần này.

Theo giới chuyên gia, giá vàng có thể chịu ảnh hưởng khi Ấn Độ kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 3.5 để ngăn chặn dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của vàng vào tuần tới. 

"Vàng sẽ phải đối mặt với một "vận rủi" nhỏ trong vài ngày giao dịch tiếp theo khi đồng USD (Mỹ) ở một mức cao mới hàng tuần chỉ sau một đêm, đồng thời, quốc gia nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục bị phong tỏa" - Nicholas DeGeorge, chiến lược gia thị trường cao cấp về kim loại quý tại RJO Futures (Chicago, Mỹ) cho biết. 

Giá vàng nhảy múa, làn sóng bán tháo có thể sắp bị kích hoạt - 1

Làn sóng bán tháo vàng có thể kích hoạt vào hai phiên cuối tuần. Ảnh minh họa: Phan Anh

Theo Investing, vàng là một kim loại thiêng liêng và vô cùng được ưa chuộng ở Ấn Độ, không kim loại quý nào so sánh được. Tượng của các vị thần trong các đền thờ Ấn Độ thường được trang trí bằng kim loại màu vàng.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ nắm giữ phần lớn trữ lượng vàng và người dân Ấn Độ thường đeo trang sức bằng vàng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày và trong các dịp lễ. Vàng cũng là một chi phí chủ yếu trong đám cưới. Điều này dẫn đến nhập khẩu hàng năm từ 800 đến 900 tấn.

"Ngày mua lớn thứ hai trong năm của Ấn Độ diễn ra vào chủ nhật tuần này và lệnh phong tỏa ở đất nước này chắc chắn sẽ tác động đến nhu cầu vật chất của họ đối với kim loại này" - ông DeGeorge cho hay. 

Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đã giảm 0,6%, đứng ở mức 1.735,60 USD/ounce. Tuy nhiên, trong tuần, giá vàng đã tăng 2,3% sau sự tăng mạnh hôm 22.4 trong vùng giá 1.700 USD/oz. 

Giá vàng giao ngay, theo dõi tại các giao dịch trực tiếp bằng vàng thỏi, đã giảm 0,4%, đứng ở mức 1.725,07 USD lúc 19h05 ngày 24.4 (theo giờ Việt Nam). 

Giá vàng nhảy múa, làn sóng bán tháo có thể sắp bị kích hoạt - 2

Nếu làn sóng bán tháo bị kích hoạt, giá vàng có thể giảm nhanh. Ảnh minh họa: Phan Anh

Trong khi đó, áp lực từ đồng USD tăng phi mã cũng đang đẩy giá vàng xuống thấp. Chỉ số USD-Index không đổi, đứng ở mức 100.44 điểm sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 18 ngày là 100.98 điểm. 

Theo CNBC, tỷ giá ngoại tệ các đồng tiền trong rổ tiền tệ thế giới (nguồn CNBC): 1 Euro đổi 1,08 USD; 1 USD đổi 107,39 Yên; và 1,236 bảng Anh GBP đổi 1 USD.

Trong nước, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng ngày thứ 4 liên tiếp, neo ở mức 23.272 VND/USD (tăng 11 đồng so với phiên giao dịch sáng ngày 24.4).

Giá vàng trong nước chốt phiên cuối ngày 24.2 vẫn duy trì đà tăng, tuy nhiên mức tăng không mạnh như phiên ngày 23.4.

Cụ thể, tại Phú Qúy SJC, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng tại chiều bán ra, niêm yết ở mức 47,90 triệu đồng/lượng mua vào - 48,35 triệu đồng/lượng bán ra.

Tại hệ thống PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, niêm yết ở mức 47,50 triệu đồng/lượng mua vào - 48,40 triệu đồng/lượng bán ra.

SJC Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 47,85 triệu đồng/lượng mua vào - 48,52 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối phiên hôm qua.

Theo Thanh Chân

Lao động 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *