Tài chính ngân hàng 19/02/2020 11:38

Doanh nghiệp bất động sản “chạy đua” phát hành trái phiếu

Khoảng 55% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1 là của các doanh nghiệp bất động sản, tương đương với giá trị huy động đạt 7.364 tỷ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn được ưa thích trong thời gian gần đây

Theo thông tin cập nhật của SSI đến thời điểm hiện tại, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành.

Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,98 năm.

Về phía bên mua, nhà đầu tư cá nhân mua 2.354 tỷ đồng trái phiếu trong đó ngoại từ 240 tỷ trái phiếu của Ngân hàng Maritime Bank (MBS), 255 tỷ đồng trái phiếu của Tienphong Bank (TPB), phần còn lại đều là mua trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản.

Các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán (CTCK) mua 2.733 tỷ đồng TPDN trong tháng 1 gồm: VP Bank mua toàn bộ 1.598 tỷ đồng trái phiếu của CTCP City Garden và 125 tỷ đồng trái phiếu của CTCP TM-DL-ĐT Cù Lao Chàm; Techcombank và CTCK Techcombank mua 950 tỷ trái phiếu Vinfast; MB Bank mua 60 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Phú Tài. Tổ chức nước ngoài mua 98,2 tỷ đồng, còn lại ghi chung là tổ chức trong nước.

 
 

Cũng theo thống kê của SSI, hai phiên đấu thầu trái phiếu Chinh phủ đầu năm đã diễn ra rất thành công với 100% lượng gọi thầu được phát hành hết dù lãi suất trúng thầu giảm mạnh (30-70 điểm phần trăm ở các kỳ hạn).

Trong phiên đấu thầu cuối tháng, diễn biến quốc tế, diễn biến giá cả hàng hóa trong nước và sự nhích tăng của tỷ giá đã có ảnh hưởng đến trái phiếu. Vùng lãi suất đăng ký các kỳ hạn đều nhích tăng và lãi suất trúng thầu chững lại, tỷ lệ trúng thầu giảm từ 100% xuống còn 50,5% lượng gọi thầu. 

Tính chung cả tháng 1, Kho bạc Nhà nước thực hiện 3 phiên đấu thầu với tổng cộng 9.526 tỷ đồng TPCP được phát hành ở tất cả các kỳ hạn 5, 7, 10, 15, 20, 30 năm; lãi suất trúng thầu giảm lần lượt là 20bps, 76bps, 60bps, 65bps, 87bps và 75bps so với phiên trúng thầu gần nhất của tháng 12/2019.

Trên thị trường thứ cấp, lợi tức TPCP diễn biến tương đồng với thị trường sơ cấp trong 2 tuần đầu nhưng đã bật tăng mạnh trong nửa cuối tháng 1.

Tại cuối tháng lợi tức TPCP các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1,42%/năm, 1,69%/năm, 1,89%/năm, 3,14%/năm, 3,23% năm, 3,31%/năm và 3,71%/năm.

Mức này gần như ngang bằng với thời điểm cuối năm 2019 ở các kỳ hạn 5 năm trở xuống nhưng thấp hơn từ 21-73bps ở các kỳ hạn trên 5 năm. Độ dốc của đường cong lợi tức đang giảm xuống rõ rệt.

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp trong tháng 1 là 160,8 nghìn tỷ đồng, bình quân 9.458 tỷ đồng/phiên – tương đương so với các phiên trong tháng 12. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch ở cả 2 chiều mua và bán, tính chung lại khối này mua ròng 732 tỷ đồng TPCP trong tháng 1.

Theo nhận xét của SSI, tháng 1 và tháng 2/2020 là hai tháng cao điểm đáo hạn TPCP nên nhu cầu tái đầu tư khá lớn. Điều này sẽ khiến cho lợi tức trái phiếu khó tăng thêm và sẽ đi ngang ở vùng hiện tại. 

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *