Tài chính ngân hàng 11/03/2020 11:26

Đáng chú ý: Đã có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm!

Dư nợ tín dụng của ngân hàng BIDV giảm 2%, huy động giảm 1,6% trong 2 tháng đầu năm. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân.

Tăng trưởng tín dụng rất chậm trong giai đoạn đầu năm

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,06%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN, cho hay phần lớn dư nợ vào các ngành đều giảm, trong đó chủ yếu giảm tại dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải.

Chỉ một vài lĩnh vực sản xuất ghi nhận tăng trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất dự trữ vẫn còn. Nếu hết, nhiều khả năng dư nợ cho vay vào lĩnh vực này cũng không thể tăng thêm. Hiện chưa có số liệu cụ thể của từng ngành.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích từ BVSC, trước mắt, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, doanh thu giảm, thiếu hụt nguyên vật liệu và khó về đầu ra. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước phát triển cũng đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên đầu ra xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đến các nước này bị ảnh hưởng, chưa kể đến vấn đề vận tải.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của ngân hàng BIDV giảm 2%, huy động giảm 1,6% trong 2 tháng đầu năm. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân. Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9%.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, NHNN cũng đã dự kiến xây dựng gói tín dụng 285.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid19. Gói tín dụng sẽ hộ trợ việc giãn nợ, giảm các loại thuế, phí và giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên việc giảm lãi suất cho vay sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

BVSC cho rằng, các gói hỗ trợ tín dụng là cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi dịch cúm Covid-19 quay trở lại Việt Nam và bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này sẽ mang tính chất kéo dài thời gian nhằm chờ dịch cúm Covid-19 được kiểm soát mà không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thêm sẽ khiến các doanh nghiệp bị đứt gãy cả về nguồn cung và nguồn cầu và làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *