Tài chính ngân hàng 06/04/2020 08:35

Cơn bão Covid-19 đã càn quét thị trường tiền tệ ra sao?

Theo SSI, với dự trữ ngoại hối gần 85 tỷ USD, NHNN có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để ổn định thị trường, tỷ giá nhiều khả năng sẽ đi ngang trong vùng hiện tại trừ khi có những thay đổi lớn về bối cảnh dịch bệnh trong nước.

Báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research vừa công bố cho biết, nếu như các kịch bản kinh tế đưa ra trong tháng 2 chủ yếu ở mức độ đánh giá thiệt hại kinh tế trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm tốc mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc thì sang tháng 3, các kịch bản này đều đã không còn phù hợp. Trong tháng 3, đại dịch Covid 19 như một cơn bão càn quét khắp các châu lục với tốc độ kinh hoàng.

Áp lực quốc tế và diễn biến dịch bệnh trong nước khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh

Sau 3 tuần liên tiếp không phát sinh ca nhiễm Covid nào mới và toàn bộ 16 bệnh nhân trước đó đã bình phục, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam bất ngờ phức tạp từ ngày 7/3 do sự bùng phát dịch trên toàn cầu và làn sóng người Việt trở về nước tránh dịch.

Trước tình hình mới, tỷ giá, một chỉ báo tiền tệ rất nhạy, đã bắt đầu dao động sau một thời gian dài ổn định.

Tỷ giá trên ngân hàng tăng 390 đ/USD chiều mua vào và 410 đ/USD chiều bán ra, lên mức 23.530/23.720; tỷ giá tự do tăng 460đ/USD chiều mua và và 520đ/USD chiều bán ra, lên mức 23.710/23.790. Chênh lệch tỷ giá bán ra – mua vào trên ngân hàng lên tới 210đ/USD.

Tính chung cả tháng, tỷ giá mua trên ngân hàng và tự do tăng lần lượt là 1.7% và 2% MoM. VND có đợt giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2018, khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tỷ giá trung tâm điều chỉnh tăng 11 đ/USD, lên mức 23.235 đ/USD. Như vậy, tỷ giá bán của các NHTM hiện vẫn cách tỷ giá trần 212đ/USD.

Theo SSI, tỷ giá tăng chủ yếu do các biến số ngắn hạn như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán để rút vốn cùng với đồng USD tăng giá mạnh trên toàn cầu.

Nhìn một cách tổng thể cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định. Trên liên ngân hàng, lãi suất VND vẫn cao hơn khá nhiều lãi suất USD. Vốn FDI giải ngân trong tháng 3/2020 đạt 1.4 tỷ USD, lũy kế đạt 3.85 tỷ USD trong quý 1/2020, tuy giảm 6.6% YoY nhưng cũng là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Thặng dư thương mại tháng 3 ước tính đạt 1 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm thặng dư 2.8 tỷ USD, tăng 68% YoY.

Để bình ổn thị trường, NHNN đã phát đi thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ quy mô lớn ở tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết và hạ tỷ giá bán xuống 23.650 đ/USD, giảm 221đ/USD (tương đương 0.93%) so với cuối tháng 2.

SSI Research đánh giá, với dự trữ ngoại hối gần 85 tỷ USD, NHNN có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để ổn định thị trường, tỷ giá nhiều khả năng sẽ đi ngang trong vùng hiện tại trừ khi có những thay đổi lớn về bối cảnh dịch bệnh trong nước.

NHNN đang nỗ lực đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế

NHNN đánh giá sơ bộ có 926 nghìn tỷ đồng dư nợ của 23 NHTM có khả năng quá hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiếm 11% tổng dư nợ.

Để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp, NHNN đã giảm một loạt các lãi suất điều hành kể từ 17/3/2020 gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay thanh toán bù trừ liên ngân hàng giảm 100bps; lãi suất OMO, lãi suất cho vay tái chiết khấu giảm 50bps; trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 25-30bps; trần lãi suất cho vay ngắn hạn với 6 ngành ưu tiên giảm 50bps; tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc 20bps

Tuy vậy, theo nhận xét của chuyên gia SSI, tác động của lãi suất điều hành ở Việt Nam tới lãi suất thị trường không nhiều và có độ trễ lớn.  

Trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế đang đình trệ, việc giải ngân mới rất hạn chế, các biện pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với các hợp đồng vay hiện có sẽ có tác động thiết thực hơn.

Ngày 31/3/2020, NHNN đã ban hành chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid 19. Nhiều NHTM đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 0.5-2%/năm so với trước dịch đối với cả khoản vay hiện hữu và vay mới từ 1/4/2020 để hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Như vậy, vùng lãi suất cho vay sẽ giảm từ 9-11%/năm xuống khoảng 7-9%/năm, cá biệt một số NHTM áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ 4.5-5%/năm với những khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu.

Đầu ra tín dụng hạn chế và thu nhập lãi chịu áp lực giảm mạnh, các NHTM cần giảm chi phí huy động vốn để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh giảm ở hầu hết các ngân hàng nhưng mức giảm chỉ khoảng 30-50bps, vẫn thấp hơn khá nhiều so với lãi suất cho vay. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trên liên ngân hàng, NHNN hút ròng 24 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 nhưng đã cơ quan điều hành đã có tín hiệu chuyển sang bơm ròng khi ngừng phát hành tín phiếu trong 3 tuần cuối và chuyển sang bơm tiền qua OMO. Lãi suất liên ngân hàng đi ngang, chốt tháng ở mức 2.36%/ năm với kỳ hạn qua đêm và 2.47%/năm với kỳ hạn 1 tuần; vẫn cao hơn so với lãi suất USD từ 1.4-1.6%/năm.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *