Tài chính ngân hàng 22/11/2019 11:23

Choáng váng với mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro lớn!

Mặt bằng lãi suất trái phiếu đang đi lên trong năm 2019. Trong số đó, một số trái phiếu lãi suất vượt hẳn so với mặt bằng chung, lên đến con số 14% hay 20% gây “nóng sốt” trên thị trường.

Choáng váng với mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro lớn! - 1

Hình minh hoạ.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của SSI Retail Research cho biết, trong tháng 10/2019, có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua khối ngân hàng thương mại để trở thành khối doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất với 9.349 tỷ đồng.

Không chỉ là nhóm có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất mà đây cũng là nhóm doanh nghiệp có mức lãi suất cao nhất.

Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh ngưỡng 7-8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-13%, cá biệt có những đợt phát hành tới 20%.

Nói với Dân trí, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, về nguyên tắc chung, lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Đặc biệt, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời lên tới 14-20% thì càng nên cân nhắc một cách cẩn trọng.

Theo vị chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp khát vốn, thậm chí tìm mọi cách để hút tiền để thực hiện dự án, trong đó cách làm dễ thấy nhất là đưa mức lãi cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng trống pháp lý trong quy định về huy động vốn kênh trái phiếu, thị trường xuất hiện nhiều rủi ro.

Đặc biệt đối với những doanh nghiệp không đại chúng, cách thức tiếp cận thông tin về doanh nghiệp của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bản thân nhà đầu tư cần ý thức việc “tự bảo vệ”, tìm hiểu thật kỹ mức độ minh bạch của doanh nghiệp mình muốn đầu tư.

Cụ thể, nếu muốn mua trái phiếu doanh nghiệp nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin cơ bản như mục đích phát hành, có tài sản đảm bảo hay không, cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu, kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi, tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Thêm nữa, đặc thù trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do các công ty phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, một loạt báo cáo thông tin tài chính tóm tắt của doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu báo lỗ, như nhóm công ty địa ốc như Bất động sản Hoa Anh Đào; Bất động sản Hoa Phượng; Bất động sản Lan Việt và Bất động sản Nova Lexington.

Việc kinh doanh thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về khả năng thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn cho trái chủ.

Ngoài ra, thông thường các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải đảm bảo tổng tài sản lớn hơn tổng khối nợ muốn huy động vào. Nếu cơ cấu nợ quá lớn so với tổng tài sản hoặc vốn điều lệ sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp mất cân đối, có nguy cơ dẫn đến phá sản trong tương lai khi có rủi ro phát sinh.

Tuy nhiên, bản báo cáo thông tin tài chính tóm tắt một số doanh nghiệp gần đây cho thấy số nợ/tổng tài sản tăng mạnh, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nên việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu là khá rủi ro.

Trong báo cáo của SSI mới đây cũng đề cập tới trường hợp Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon). Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) là một trong những doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn với 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm và toàn bộ do HDBS thu xếp phát hành, lưu ký.

Đáng lưu ý, theo nhóm chuyên gia SSI, tại báo cáo tài chính quý 3/2019, Land Saigon ghi nhận lỗ 14.2 tỷ đồng, hệ số nợ/tổng tài sản lên tới 69%, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nên việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu là khá rủi ro.

Trong thông báo mới đây của Bộ Tài chính, cơ quan này đã chỉ ra một số rủi ro nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và khuyến nghị nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên ham lãi suất cao.

Bộ Tài chính đã chỉ ra một số rủi ro như doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán. Hai là trường hợp doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu. Rủi ro thứ ba được chỉ ra là doanh nghiệp có thể không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...

Theo cơ quan này, thông lệ thị trường cho thấy trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm nên tham gia qua các quỹ chuyên nghiệp.

Ngoài lưu ý với nhà đầu tư, Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ đầy đủ quy định khi huy động vốn trái phiếu, công bố công khai thông tin về tình hình tài chính, mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.

Nguyễn Mạnh

Choáng váng với mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro lớn! - 2

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *