Tài chính ngân hàng 08/08/2018 19:09

Chính phủ sẽ bán và chuyển giao Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceabank

Tại diễn đàn M&A diễn ra ngày 8/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceabank…

Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” chiều ngày 8/8, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, M&A vô cùng quan trọng vì Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp nhà nước…

Phó Thủ tướng cho biết, quá trình tái cơ cấu này cũng tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển và ở chiều ngược lại các thương vụ M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu của Việt Nam thành công.

"Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nhiều lĩnh vực nữa chẳng hạn, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo nợ công…", Phó Thủ tướng nói.

Cụ thể, đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceabank…

"Sắp tới đây, Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam", ông nói.

Theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam đang được cả ngân hàng nước ngoài và trong nước quan tâm. Chính phủ thời gian tới cũng sẽ tổ chức cổ phẩn hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng nhà nước.

"Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và VCB đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư", ông cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chủ trương tái cơ cấu các công ty tài chính (các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) và các quỹ tín dụng nhân dân. Hiện nay có khoảng 36 -38 công ty tài chính của các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước. Phương án tái cơ cấu này bao gồm cả phương án bán vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án cụ thể để trình Chính phủ xem xét quyết định", ông nói thêm.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ chủ trương tiếp tục tái cơ cấu các Tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước, thu gọn lại danh mục DNNN mà nhà nước đang nắm giữ vốn. Chính phủ sẽ kiên trì, nhất quán lĩnh vực này.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp đã cổ phần hoá lần đầu, tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước, từ nay đến 2010 sẽ cơ bản hoàn thành vấn đề này.

Tái cơ cấu lại các công ty lâm nông trường và năm 2018 phải cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu các công ty dạng này bằng cả M&A và các hình thức công ty TNHH 2 thành viên (trước đây pháp luật Việt Nam không cho phép làm việc này, nhưng giờ pháp luật đã thông thoáng hơn).

Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công, trừ trường học và bệnh viện, Chính phủ cũng chủ trương cổ phần hóa các lĩnh vực này...

Phương Dung

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *