Quốc tế 04/01/2014 18:38

“Tập đoàn” khủng bố Al-Qaeda: Quản lý tài chính kiểu... doanh nghiệp?

Tất cả các chi phí, từ một cái bánh mì nửa USD đến nhiên liệu hàng trăm nghìn USD; từ xà phòng, mì ống đến vũ khí đạn dược, chi phí nhân viên... đều được “tập đoàn” khủng bố Al-Qaeda xây dựng một hệ thống kế toán chặt chẽ.

Các cựu nhân viên tình báo và các nhà phân tích cho biết, bắt đầu từ “kỷ nguyên” Osama bin Laden - người sáng lập tổ chức khủng bố Al-Qaeda, ý tưởng của “lãnh đạo tối cao” tổ chức này là muốn quản lý tổ chức của mình theo “mô hình của một doanh nghiệp”.

Phải báo cáo tài chính lên cấp trên

Mohamed Djitteye mở một cửa hàng bán tạp hóa tại một cái chợ ở Thành phố Timbuktu miền bắc Mali. Ông nhớ lại: một hôm, có một đoàn xe treo cờ màu đen của Al-Qaeda ập đến. Tưởng rằng mình đang gặp vận đen, kiểu gì cũng bị chèn ép, bắt nạt, nên Djitteye lập tức khóa két tiền lại và trốn vào sau quầy hàng.

Đoàn xe dừng ngay trước của tiệm tạp hóa, một vị thủ lĩnh bước xuống xe, đẩy cửa, yêu cầu bán cho ông ta một lọ mù tạt. Thấy Mohamed Djitteye vẫn chưa lấy lại được tinh thần, người vừa bước xuống xe nhắc lại một lần nữa: “Tôi mua mù tạt”, đồng thời đưa ra một tờ hóa đơn trị giá 1,6 USD.

Người vừa bước xuống xe là Nabil Kama - Tư lệnh Bộ tư lệnh phía Nam của tổ chức khủng bố Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi. Từ đó, Kama đã trở thành khách quen của Mohamed Djitteye.

Một lần, Kama yêu cầu in cho ông ta một quyển hóa đơn, điều này thể hiện việc chi tiêu tài chính có vẻ rất chính quy. Mohamed Djitteye làm theo lời của Nabil Kama, đặt một quyển biên lai màu xanh dưới máy thu ngân rất cẩn thận. Thời gian đó, bất kể ai đến mua hàng, ông đều hỏi khách hàng có cần ghi hóa đơn hay không.

Lực lượng khủng bố hồi giáo có cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ

Tháng 3-2012, Mali xảy ra đảo chính, lực lượng tôn giáo cực đoan chiếm đóng miền Bắc Mali, bao gồm cả Tombouctou. Cuối tháng 1-2013, quân chính phủ Mali dưới sự giúp đỡ của quân đội Pháp đã giành lại được Tombouctou.

Việc mua hàng phải có hóa đơn của thành viên tổ chức Al-Qaeda đã gây ấn tượng cho Mohamed Djitteye. Các thương nhân của thị trấn này nói với phóng viên hãng thông tấn AP, tại một thị trường “bát nháo” như Tombouctou nhưng nhân viên của tổ chức này thường có hai người cùng đi mua hàng, 1 người trả giá, còn một người ghi giá vào sổ tay.

“Mới đầu, tôi cảm thấy rất kỳ lạ” - một chủ hiệu tân dược nói - nhưng dần dần tôi đã rút ra được kết luận, những người này đều hiểu rõ nhiệm vụ của họ là phải báo cáo thu chi tài chính lên cấp trên. Chính vì thế, mỗi lần mua hàng, nhân viên của tổ chức Al-Qaeda đều phải ghi hóa đơn.

Cơ cấu tổ chức của Al-Qaeda giống như một doanh nghiệp

Ngoài biên lai và hóa đơn, Al-Qaeda còn có bảng lương, bảng chấm công, chi phí từ thiện và kinh phí công tác tuyên truyền. Các nhà phân tích cho biết, nhiều năm trở lại đây, tổ chức này cố gắng theo đuổi thực hiện quản lý tổ chức của mình theo mô hình doanh nghiệp, thiết lập chế độ tài chính thống nhất, xây dựng một mô hình“công ty xuyên quốc gia”.

Osama bin Laden trong cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan

Cựu cố vấn Văn phòng điều phối viên chống khủng bố Bộ Ngoại giao Mỹ, học giả thuộc Viện nghiên cứu Brookings - ông William McCants cho biết: “Tính chất công việc bắt buộc họ phải nắm chắc kỹ năng kế toán. Họ kiểm soát rất chặt chẽ các hoạt động và phương pháp thực hiện mục tiêu đã định, do đó họ cần phải thực hiện quản lý giống như kinh doanh”.

Hơn nữa, do thành viên cơ sở của tổ chức này thường hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, sử dụng biên lai sẽ giúp cho cấp trên nắm bắt được hành tung của cấp dưới tốt hơn. Theo một nguồn tin cho biết, một thành viên của Al-Qaeda do không báo cáo tài chính kịp thời đã bị cấp trên khiển trách.

Các văn kiện của Al-Qaeda đã cho thấy, giống như một doanh nghiệp, tổ chức này cũng có “Hội đồng quản trị”, “Giám đốc điều hành”, “Bộ phận phát triển nhân lực” và “Bộ phận quan hệ công chúng”. Còn 2 biên lai cho biết, tổ chức khủng bố này đã sử dụng lần lượt 4.000 và 6.000 USD làm kinh phí vận hành các khâu của tổ chức.

Các nhà phân tích cho rằng, cơ cấu tổ chức chặt chẽ đã giải thích nguyên nhân tại sao không ai có thể chặt đứt cái “vòi bạch tuộc” của tổ chức khủng bố này. Nó không chỉ có lợi cho khả năng sinh tồn của Al-Qaeda, mà còn có thể giúp tổ chức này mở rộng mạng lưới chân rết của mình.

Theo Toàn Thắng

Petrotimes/Sina Weibo

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *