Quốc tế 27/01/2014 21:21

WEF kết thúc với quan điểm lạc quan thận trọng về kinh tế toàn cầu

FICA - Các nhà hoạch định chính sách, chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã đồng loạt bày tỏ quan điểm lạc quan thận trọng về nền kinh tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần đầu tiên kể từ năm 2007.



Trong ngày làm việc cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, các nhà lãnh đạo nhận ra rằng, những rủi ro đang tồn tại và tình trạng yếu kém của các thị trường mới nổi có thể dễ gây ra những biến động lớn. Tuy nhiên, họ kết luận rằng, nền kinh tế thế giới có triển vọng sáng sủa hơn so với nhiều năm qua.


Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có cái nhìn lạc quan thận trọng về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2014 cũng như trong năm tới. Nền kinh tế châu Âu cuối cùng cũng đang phục hồi trở lại, Nhật Bản cũng có những bước tiến đang kể. Các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia cũng có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hoặc có thể tăng nhanh hơn”.


Ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, đưa ra lưu ý rằng, cần phải thận trọng hơn về các động thái của thị trường. Ông Larry nói: “Những biến động của thị trường trong tuần qua thể hiện tình hình kinh tế trong năm 2014. Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong 1 thế giới ngày càng có nhiều biến động hơn. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ có 1 kết cục tồi tệ nhưng sẽ gặp khá nhiều khó khăn”.


Sự khó khăn mà ông Fink đề cập đã từng xảy ra. Ông đưa ra lời nhận định với kỳ vọng rằng chứng khoán luôn tăng giá và các thị trường mới nổi sẽ không còn đổ lỗi cho sự thay đổi chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).


Ông Montek Singh Ahluwalia, Phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ, nói rằng, Ấn Độ không lo sợ trước chính sách của Fed mặc dù chính sách này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho thế giới trong năm 2013. Ông cho biết, hiện nay, Ấn Độ có thể chống chọi được với việc giảm bớt gói kích thích tiền tệ của Mỹ. Ông nói: “Tôi cảm thấy rằng, khi có sự hỗ trợ lẫn nhau, các nền kinh tế có tổ chức tốt sẽ có thể chống đỡ được với biến động lớn này”.


Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, cho biết, trong năm 2014, ngoài kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, bà cũng quan tâm đến 2 điều khác. Điều đầu tiên là rủi ro, bao gồm các vấn đề như sự cần thiết phải hoàn thiện cải cách tài chính, rủi ro xung quanh chính sách cắt giảm của Mỹ hay tình trạng giảm phát tại khu vực đồng Euro.


Theo bà Christine, trong dài hạn, điều thứ 2 là vấn đề tái thiết. Bà giải thích rằng, chính sách tiền tệ và tài chính trên toàn thế giới vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi các chính sách này đi vào ổn định. Sự tái thiết cuối cùng là cải cách cơ cấu cần thiết phải được thực hiện ở mọi nơi trên thế giới.

Nguyễn Dung
Theo Financial Times

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *