Quốc tế 07/03/2014 07:34

Đàm phán Nga-Mỹ về Ukraine: Trắng tay

FICA - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 6/3 cho biết, không có thỏa thuận nào đạt được giữa Mátxcơva và Washington về tình hình Ukraine, sau cuộc đàm phán giữa ông với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Rome.

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc đàm phán tại Rome ngày 6/3.

“Hiện tại chúng tôi không thể thông báo với cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi đạt được thỏa thuận”, các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Lavrov cho hay. Các hãng thông tấn Nga cũng cho biết ông Lavrov sẽ thông báo với Tổng thống Putin về cuộc đàm phán khi trở về Nga.

“Chúng tôi đã nhất trí chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm những ý kiến mà ông John Kerry đưa ra với tôi ngày hôm nay về các biện pháp thiết thực trong tương lai”, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Lavrov cho biết.

“Chúng tôi muốn làm rõ hơn nữa, xem các đối tác của chúng tôi có ý gì khi họ gợi ý về cơ chế quốc tế và nội dung của nó sẽ là gì”, ông Lavrov nói thêm.

Ông Lavrov cũng kịch liệt chỉ trích giới hạn visa Mỹ áp đặt đối với người Nga vào ngày 6/3 để trừng phạt Mátxcơva trong vấn đề Ukraine. Ông Lavrov gọi đây là “một đe dọa”.

Ông cảnh báo về “việc liên tục gây áp lực trong bầu không khí hiện nay” song cho biết ông Kerry đã nói với ông rằng giới hạn visa chưa được áp dụng.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng chỉ trích tuyên bố của Nato vào ngày hôm trước về ý định xem xét lại hợp tác với Nga, có thể gồm cả ngưng sứ mệnh chung phá hủy kho vũ khí hóa học Syria. “Chúng tôi cần những cấu trúc này cũng như các đối tác của chúng tôi”, ông Lavrov nói.

Ông cũng nói thêm cộng đồng quốc tế “có mong muốn mạnh mẽ có đối thoại bình thường giữa phương Tây và Nga, mà không có những tối hậu thư, không có yêu sách chúng tôi phải đơn phương thay đổi quan điểm của chúng tôi, mà trong trường hợp Ukraine, Tổng thống của chúng tôi đã nói rất chi tiết và rất rõ.”

Quan điểm của Nga “đã được cả thế giới hiểu”, ông nói.

Trước đó, tại cuộc họp báo cuối ngày 5/3, ông Lavrov hé lộ, ông và ông Kerry đã nhất trí cần phải trở lại thỏa thuận ngày 21/2, được ký giữa những người biểu tình Ukraine và ông Viktor Yanukovych, trước khi ông bị lật đổ.

Song phía Mỹ lại phủ nhận điều này, khẳng định thỏa thuận như vậy chỉ có thể đạt được nếu có sự tham gia của chính phủ thân phương Tây của Ukraine, chính phủ đã lật đổ ông Yanukovych.

Vũ Quý
Theo AFP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *