Quốc tế 01/05/2015 07:39

Việt Nam sẽ hưởng lợi nhất khi Mỹ - Nhật tìm được tiếng nói chung

Câu chuyện về hiệp định TPP lại nóng lên lần nữa khi mà thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang có chuyến công du Mỹ. Chặng đường hoàn tất thỏa thuận hiệp định TPP sẽ có bước đột phá khi Mỹ - Nhật tìm được tiếng nói chung và Việt Nam sẽ là nước có lợi nhất.

My - Nhat tim duoc tieng noi chung

Và đặc biệt là khi trước đó Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết trao cho tổng thống Barack Obama những quyền hạn đặc biệt để có thể hoàn tất thỏa thuận hiệp định thương mại mà người Mỹ đã ấp ủ trong nhiều năm này. Cùng với thỏa thuận hạt nhân Iran, TPP có thể là một yếu tố có thể vẽ lại bản đồ thế giới về địa chính trị và thương mại. 
 
Về lâu dài đó sẽ là một nước đi có vai trò rất lớn để kiềm chế ảnh hưởng về kinh tế Trung Quốc của Mỹ. Nhưng, ít nhất là trong tương lai gần, ai sẽ là người có lợi nhất khi TPP được hoàn tất. Câu trả lời là Việt Nam.
Thế giới đã đặc biệt xôn xao sau khi tổng thống Obama, với thành công từ việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, đã được Quốc hội Mỹ chấp thuận trao cho những quyền hạn đặc biệt để hoàn tất TPP – một hiệp định thương mại mà người Mỹ đã ấp ủ và theo đuổi trong nhiều năm qua. Với người Mỹ, TPP là một câu chuyện dài. 
 
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là một trong những người đầu tiên thẳng thắn cho rằng, sai lầm lớn nhất của Mỹ là đã không thiết lập một hiệp định như TPP từ sớm hơn, khoảng từ những năm 90 để ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của kinh tế Trung Quốc. Với thị trường khổng lồ của mình, Trung Quốc dễ dàng thu hút được những nhà đầu tư và hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. 
 
Đó là một lợi thế mà người Trung Quốc mặc định có được khi họ mở cửa nền kinh tế. Sai lầm của Mỹ là đã không tìm cách ngăn cản sức hút khổng lồ này sớm hơn. Nhưng, dù muộn cũng còn hơn không. TPP vẫn sẽ là một hiệp định thương mại cực kỳ quan trọng ở thời điểm hiện tại, nếu nó được hoàn tất. Về cơ bản, nó sẽ giúp ngăn cản ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước ở Tây Thái Bình Dương. 
 
Yếu tố cốt lõi của TPP là tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa các nước thành viên, thông qua một thỏa thuận thuế quan thương mại hạn chế. Nói cách khác, các nước thành viên sẽ tăng cường trao đổi quan hệ kinh tế với nhau hơn, và giảm việc phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu và quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
 
Xét trên phương diện đó, nếu TPP được hoàn tất ở thời điểm hiện tại, tác động này của nó sẽ được đẩy lên mức cao nhất. Là vì Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nền kinh tế chững lại, và các nước trong khu vực đang tìm kiếm một đối tác mới. TPP hoàn tất ở thời điểm hiện tại sẽ đáp ứng được yêu cầu đó, và không nghi ngờ gì việc các nước trong khu vực sẽ chuyển hướng vào TPP như một khu vực thương mại thay thế cho Trung Quốc. 
 
Cùng với quyết tâm của tổng thống Obama đang muốn để lại dấu ấn của mình khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kém thu hút với các quốc gia khác đang là hai lý do khiến Quốc hội Mỹ đẩy nhanh tốc độ hoàn tất TPP càng sớm càng tốt.
 
Về lý thuyết, TPP là một hiệp định có tác dụng làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước ở hai bờ Thái Bình Dương. Nó cũng tạo lập một khu vực thương mại lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị thương mại toàn cầu, và các nước thành viên đều cùng có lợi. Nhưng trên thực tế, hiệp định này sẽ đem lại lợi ích lớn nhất đối với các nước có khả năng xuất khẩu mạnh mẽ, vì yếu tố mấu chốt của TPP là một hiệp định trong đó hệ thống thuế quan thương mại khá hạn chế - một thuận lợi rất lớn cho các nước xuất khẩu. 
 
Và trong các nước thành viên TPP, nhất là ở thời điểm hiện tại, thì không phải Mỹ và cũng không phải Nhật Bản, mà Việt Nam mới là nước thu được lợi ích lớn nhất từ việc hoàn tất hiệp định này, thông qua khả năng xuất khẩu mạnh mẽ của mình.
 
Xét về tiềm lực nền kinh tế và giá trị trong lĩnh vực xuất khẩu, thì khó có thể có nước nào qua mặt được Mỹ hay Nhật Bản, với các mặt hàng chủ lực công nghệ cao có lợi nhuận khổng lồ. Nhưng về điểm thuận lợi đạt được từ việc xuất khẩu được kích thích do TPP hoàn tất thì không nước nào hơn được Việt Nam. 
 
Việt Nam đang nổi lên là một nước xuất khẩu mạnh mẽ nhất ở châu Á Thái Bình Dương ở thời điểm hiện tại, khi trong năm 2014 nước này đã chính thức qua mặt Malaysia để trở thành quốc gia dẫn đầu ASEAN trong việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã là nước chiếm tới 34% tổng hàng may mặc nhập khẩu của thị trường Mỹ, lên tới 7 tỷ USD. Sẽ không ai có thể hình dung được, một thỏa thuận về thực chất là gỡ bỏ hàng rào thuế quan thương mại như TPP sẽ kích thích khả năng xuất khẩu vốn đã rất mạnh của Việt Nam lên đến mức độ như thế nào nữa.
 
Một lý do khác khiến Việt Nam trở thành nước có lợi nhất khi TPP thông qua vào thời điểm hiện tại, đó là việc nước này cũng đang dẫn đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế đang ồ ạt rời khỏi thị trường Trung Quốc và tìm một bến đỗ mới. Giá thành nhân công rẻ hơn các nước ASEAN khác khá nhiều, vị trí chiến lược và các chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ của Việt Nam đang biến nước này trở thành miền đất hứa mới cho các nhà đầu tư. 
 
Và triển vọng TPP được thông qua trước năm 2016 có thể sẽ là một đòn bẩy để nâng cao hơn nữa lượng nhà đầu tư đổ vào Việt Nam, và đồng nghĩa với việc năng lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng lên nhiều lần. Một lợi ích khác cũng quan trọng không kém, là việc các quốc gia sẽ phải cải tổ những doanh nghiệp yếu kém nhất khi TPP đi vào hoạt động. 
 
Với Việt Nam đó là các doanh nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước này sẽ có cơ hội cải tổ thuận lợi khi được tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế. Nói cách khác, TPP sẽ thúc đẩy lộ trình cải cách kinh tế ở các quốc gia, và Việt Nam cũng là nước hưởng lợi nhất từ điều này.
 
Một số học giả Mỹ cho rằng, TPP dù đem lại nhiều lợi ích như thế cho Việt Nam, nhưng vẫn chỉ mang tính bước đệm cho một vấn đề còn quan trọng hơn. Đó là việc tạo lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó nhiều khả năng hai nước sẽ ký một thỏa thuận thương mại tự do song phương – một điều sẽ kích thích kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 
 
Việc quốc hội Mỹ dỡ bọ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vào cuối năm 2014 được xem như bước đệm để thực hiện điều này. Một Việt Nam hùng mạnh về kinh tế và có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những điều
Washington mong muốn nhất trong chiến lược ở châu Á Thái Bình Dương trong tương lai.
 

Theo Nhàn Đàm 

Một Thế Giới / The Diplomat

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *