Quốc tế 26/10/2014 08:16

Vì sao ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép?

Trên The Diplomat (Nhật) ngày 23/10, chuyên gia Trương Quý Châu ở Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Nanyang (Singapore) giải thích ngư dân Trung Quốc liên tục đánh bắt trái phép.

Đầu tiên về chiến lược, có các lý giải như sau:

- Ngư dân TQ đánh bắt trái phép không chỉ ở vùng biển tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông mà ở khắp mọi nơi, kể cả tại Nga, CHDCND Triều Tiên, Indonesia và quốc đảo Palau.

- Quan hệ giữa chính phủ TQ và ngư dân rất phức tạp. Chính phủ TQ khó quản lý ngư dân hay ngăn cản ngư dân đánh bắt trái phép. Ngư dân không phải lúc nào cũng tin tưởng chính quyền.

- Các cuộc tranh cãi địa-chính trị hiện chưa giải thích được vì sao chính phủ TQ không bồi thường cho ngư dân bị bắt. Một số ngư dân còn bị phạt tiền hoặc bị loại khỏi danh sách nhận trợ cấp nhiên liệu khi trở về nước.

- TQ không có lợi nếu cố ý đưa ngư dân ra vùng biển tranh chấp. Bởi thế TQ đã cấm ngư dân đánh bắt gần bãi cạn Scarborough sau vụ bế tắc giữa TQ và Philippines năm 2012. TQ cũng không hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dù giới ngư dân và các học giả đề nghị.

Kế đến về cấu trúc, năm 1985, 90% hoạt động đánh bắt của ngư dân TQ chủ yếu là đánh bắt gần bờ. Đến năm 2002, đánh bắt gần bờ giảm còn 65% và đánh bắt xa bờ tăng từ 10% lên 35%. Hiện nay tình hình thay đổi từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ tiếp tục tăng ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Nguyên nhân thay đổi đến từ nhu cầu thị trường và các chính sách của TQ, đặc biệt là nguồn tài nguyên gần bờ đã cạn kiệt do khai thác quá mức. Ngoài ra còn do nhu cầu nhập khẩu. Ví dụ, do nhu cầu mua sò cỡ lớn hay san hô dùng để trang trí từ nước ngoài tăng nên ngư dân TQ mạo hiểm ra xa như biển Đông.

Cuối cùng về chính sách chính phủ, do nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung gần bờ không đủ, chính phủ TQ đã hạn chế đánh bắt gần bờ. Do đó ngư dân phải tiến ra các khu vực xa. Chính phủ TQ cũng đã ban hành chính sách không tăng số tàu đánh cá ở cấp trung ương và địa phương, đồng thời chuyển nghề cho ngư dân. Cuối những năm 1990, TQ đã ngừng cấp phép đánh cá mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho ngư dân tìm việc làm mới.

Tuy nhiên, đến năm 2006, TQ lại bỏ thuế nông nghiệp, trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có nghề cá, hỗ trợ tài chính cho chủ tàu dưới hình thức trợ cấp nhiên liệu đánh cá. Hậu quả là các chủ tàu cá tiếp tục đóng tàu mới cỡ lớn. Chuyên gia Trương Quý Châu nhận định ngư dân TQ là tầng lớp có thể bị kích động bằng mục tiêu tăng thu nhập. Khi đã có tàu lớn trong khi tài nguyên gần bờ đã cạn, tất nhiên ngư dân TQ phải tiến ra xa. Vì thế mà ngư dân TQ đã xâm nhập vùng biển tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo DUY KHANG

PLTP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *