Quốc tế 03/08/2015 07:22

Từ việc xuất khẩu ô liu, hé lộ vấn đề trong bài toán kinh tế Hy Lạp

60% lượng dầu ô liu từ Hy Lạp xuất khẩu sang Italy, sau đó, đóng gói bằng bao bì và chai lọ ghi xuất xứ Italy rồi gửi đi khắp nơi trên thế giới. Và hầu hết lợi nhuận đều quay về Italy, khi nước này thu được khoảng 50% giá trị sản phẩm của Hy Lạp.

Nông dân trồng cây ô liu - Ảnh: Ali Ali/EPA

Nông dân trồng cây ô liu - Ảnh: Ali Ali/EPA

Vùng núi Kalamata, phía Nam vùng biển của bán đảo Peloponnese (Hy Lạp) nổi tiếng là nơi sản xuất một trong số ít giống ô liu tốt nhất thế giới. Trong quá trình ép, họ cho ra loại dầu được mô tả là “dung dịch vàng” bởi độ nguyên chất và chất lượng tuyệt hảo của chúng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, những thùng dầu lớn sẽ được vận chuyển theo đường biển ra nước ngoài. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là trong năm 2012, 60% lượng dầu ô liu từ Hy Lạp xuất khẩu sang Italy, sau đó, đóng gói bằng bao bì và chai lọ ghi xuất xứ Italy rồi gửi đi khắp nơi trên thế giới. Theo công ty tư vấn McKinsey, hầu hết lợi nhuận đều quay về Italy, khi nước này thu được khoảng 50% giá trị sản phẩm của Hy Lạp.

Vì lý do gì mà điều này lại xảy ra? Chuyên mục Planet Money của trang NPR đã mô tả một vài vấn đề mà các doanh nhân nước này phải đối mặt khi họ nỗ lực tự thân xuất khẩu dầu ô liu từ nước mình.

Đầu tiên, hiếm có doanh nghiệp nào nhận làm chai lọ, vậy nên họ buộc phải nhập khẩu chai từ Italy. Bên cạnh đó, họ gặp khó khăn trong việc vay nợ và mức thuế cao ngất. Với sự tác động từ khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp, chính phủ buộc các doanh nghiệp tính toán và trả thuế trước hạn, nghĩa là đóng thuế cho năm 2016 từ năm 2015.

Mặc dù gặp không ít khó khăn vì sức ép từ chủ nợ châu Âu, nhưng chính bản thân nước này cũng tự đặt nặng trách nhiệm lên vai mình. Dẫn lời phóng viên James Surowiecki trên tờ New Yorker, vượt xa khỏi tầm kiểm soát của châu Âu, Hy Lạp có thể cải thiện nền kinh tế suy thoái bằng cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước, cũng như nới lỏng các chế tài khắc nghiệt.

Một số quy định đối với thị trường Hy Lạp quá ngặt nghèo, ví dụ như các tiệm bánh chỉ được bán bánh mỳ dựa trên tiêu chuẩn cân tiêu chuẩn. Ngoài ra, không ít lệnh cấm cũng ngăn cản doanh nhân trong nước và quốc tế đầu tư vào nước này.

Thực tế rằng Hy Lạp chỉ nắm giữ 28% cổ phần trên thị trường quốc tế đối với sản phẩm “phô mai feta Hy Lạp”, và 30% thị trường Mỹ dành cho “sữa chua Hy Lạp” cũng cho thấy các cơ hội giao thương khá rõ ràng.

Lĩnh vực nông nghiệp nước này cũng sở hữu rất nhiều tiềm năng, khi đứng vị trí thứ 3 trong danh sách nước sản xuất giàu ô liu lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Italy và Tây Ban Nha. Theo Eurostat, dầu ô liu chiếm 1/10 sản lượng nông nghiệp Hy Lạp, bởi nước này còn nổi tiếng về xuất khẩu mật ong, rượu và rau củ quả.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng đầy hứa hẹn như y dược, ngư nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, vận chuyển đường biển, xử lý rác thải và du lịch. Riêng du lịch đã chiếm hơn 17% trong nền kinh tế nước này năm 2014, bởi bản thân cư dân nội địa chính là khách du lịch chủ yếu.

Điều Hy Lạp cần lúc này đó là sự ổn định tài chính trong các cơ hội này, với lý do tình hình đóng băng tín dụng đầu năm qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động của ngành thực phẩm, đồng thời ngăn cản nhập khẩu những sản phẩm cần thiết cho nông trại như phân bón, thuốc trừ sâu,…Ngoài ra, nước này cũng phải củng cố hạ tầng cơ sở, bao gồm các trang thiết bị sản xuất và đóng gói hiện đại, quy mô hơn nhằm tận dụng tối đa nguồn lợi từ nông nghiệp.

Với khoản nợ vượt mức 175% tài sản và tỷ lệ thất nghiệp đạt 30%, Hy Lạp vẫn còn phải đối phó với nhiều thách thức trước mắt. Mặc dù vậy, trong chính những thời khắc đen tối ấy, vẫn xuất hiện vùng sáng cơ hội chờ đợi chính phủ để tâm.

Trâm Phạm
Theo Washington Post

 
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *