Quốc tế 17/02/2014 07:47

Trung Quốc và tham vọng ‘ôm’ cả châu Phi

Hiện tại, đầu tư của Trung Quốc rải rác khắp 49 quốc gia châu Phi.

Cũng như các nước khác trên thế giới, Trung Quốc là nước đang tích cực mở rộng hoạt động ngoại giao, dựa trên phương châm xây dựng một thế giới hòa hợp, hòa bình lâu dài, cùng nhau phát triển.

 

Ngoại giao Trung Quốc có đường lối ngoại giao rất đặc trưng theo kiểu độc lập tự chủ, nhưng cũng tham gia cơ chế quốc tế toàn diện, tích cực mở rộng ngoại giao đa phương.

 

Việc tăng cường ngoại giao cũng góp phần vào thực hiện mục đích liên quan tới lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, hướng tới lợi ích chung của Trung Quốc. Chính vì vậy Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ với những nước, khu vực có quan hệ truyền thống. Châu Phi là một ví dụ.

 

Có mối quan hệ truyền thống với châu Phi

Mốc đánh dấu quan hệ giữa Trung Quốc và các nước châu Phi là năm 1955 khi Hội nghị Á-Phi được tổ chức tại Bandung, Indonesia.  Thủ tướng Chu Ân Lai trong Hội nghị này đã đưa ra những nguyên tắc đảm bảo tôn trọng sự khác biệt của các quốc gia, tăng cường sự hợp tác. Việc này đã tạo tiền đề cho việc Trung Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi. Đến nay Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 50 quốc gia ở Châu Phi.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Tanzania vào tháng 3/2013 (Ảnh: Reuters)


Trung Quốc và châu Phi luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong những năm 1963, 1964 khi thăm châu Phi đã đưa ra nguyên tắc 5 điểm nhằm tăng cường hợp tác quan hệ với các nước châu Phi, 8 nguyên tắc trong hoạt động viện trợ đối với khu vực này. Tuyến đường sắt Tazara đến nay vẫn là biểu tượng của sự hợp tác tốt đẹp Trung Quốc-châu Phi.

Châu Phi là một trong những khu vực ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc khôi phục lại vị trí hợp pháp của Cộng hòa  Nhân dân Trung Hoa vào năm 1976. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói rằng : “Chính các bạn châu Phi đã khiêng chúng ta vào Liên Hợp Quốc”.

 

Ở những giai đoạn sau này, quan hệ Trung Quốc-châu Phi phát triển rất tốt đẹp. Năm 1996, trong chuyến thăm tới châu Phi Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đưa ra nguyên tắc hợp tác với châu Phi: Chân thành hữu nghị, đối xử bình đẳng, đoàn kết hợp tác, cùng nhau phát triển và hướng tới tương lai.

 

Tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-châu Phi đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2000, Trung Quốc tuyên bố miễn giảm 10 tỷ nhân dân tệ cho các nước nghèo châu Phi. Các Hội nghị cấp cao hai bên liên tục được diễn ra, đưa ra những giải pháp tích cực cho tăng cường quan hệ nhiều mặt giữa hai bên.

 

Theo đó, quan hệ kinh tế hai bên phát triển không ngừng. Năm 1950, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi chỉ ở mức 10 triệu USD, đến năm 2008 đã tăng tới 106,8 tỷ USD. Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Đầu tư của Trung Quốc rải rác khắp 49 quốc gia châu Phi.

 

Năm 2006, Trung Quốc đưa ra chính sách phát triển quan hệ với châu Phi theo kiểu mới: bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị, hợp tác thắng lợi về mặt kinh tế, giao lưu văn hóa. Đây là những biện pháp chính tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện giữa Trung Quốc và châu Phi ở những giai đoạn sau.

 

Sai lầm khi mạnh tay đầu tư vào châu Phi?

Châu Phi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, do vậy Trung Quốc linh hoạt kết hợp chính sách ngoại giao với chiến lược hợp tác kinh tế với châu Phi. Truyền thông nước ngoài cho rằng Trung Quốc đang mở rộng chính sách “ngoại giao tài nguyên”.

 

Người Trung Quốc khai thác lao động tại châu Phi 


Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn của Algeria, Sudan, Angola, trong đó dự định trong vòng 4 năm tới sẽ nhập khoảng 60 tỷ thùng dầu của Algeria bằng 4 năm nhập khẩu dầu của các nước trên thế giới tại khu vực này.

Nhưng không đơn giản là ở vấn đề lượng dầu, cũng không phải ở việc phân quyền giữa Trung Quốc với các nước phương Tây và Nhật cũng có thị phần lớn tại thị trường châu Phi, mà ở vấn đề chính trị, an ninh năng lượng của Trung Quốc.

 

Chính phủ Algeria cho rằng, nước này rất coi trọng những người bạn truyền thống, nhưng không phải vì thế mà để cho Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn của Nigeria. Ngoài Trung Quốc, Nigeria còn ký kết hợp đồng dầu lửa với các nước khác. Algeria muốn sự cạnh tranh về giá cả.

 

Do đó, lợi ích kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của những nước châu Phi. Chính vì vậy, có chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc mở rộng đầu tư sang khu vực châu Phi ngoài những rủi ro còn là một sai lầm.

 

Trung Quốc gần đây tuy đã tăng viện trợ cho châu Phi, nhưng so với các nước phát triển khác viện trợ cho châu Phi thì số tiền viện trợ còn ở mức khiêm tốn.

 

Năm 2007, viện trợ ODA của Mỹ vào châu Phi là 7,6 tỷ USD, Pháp 4,9 tỷ USD, Nhật 2,7 tỷ USD, Đức 2,5 tỷ USD nhưng Trung Quốc chỉ có 1,4 USD. Con số này rất nhỏ so với các nước khác.

 

Viện trợ của Trung Quốc chỉ chiếm 20% tại châu Phi, còn lại 80 % do chính đầu tư giữa các nước, khu vực tại châu Phi. Nhưng hiện tại dân số của Angola có 45% là người Trung Quốc, Tanzania có 10% là dân số Trung Quốc. Có nghĩa có thể viện trợ Trung Quốc chưa nhiều nhưng vẫn là “rượu cũ” khi bài toán “dùng người trị người” vẫn được áp dụng tại châu Phi.

 

Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Phi tăng mạnh. Năm 2011 kim ngạch thương mại hai bên đã đạt 166 tỷ USD.

 

Nghiễm nhiên, Trung Quốc do có mối quan hệ lâu dài với khu vực châu Phi, bỏ qua những “cản trở” từ phương Tây, Nhật Bản muốn ôm trọn châu Phi, phục vụ lợi ích của riêng mình.

Theo Bùi Hùng

VOV

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *