Quốc tế 09/02/2015 14:13

Trung Quốc “ưa” đổ vốn vào các nước lớn, nước giàu

FICA – Trung Quốc đã đầu tư hơn 317 tỷ USD vào 10 nước lớn và giàu có trên thế giới. Trong khi đó, giá trị hợp đồng xây dựng mà Trung Quốc ký kết với các nước đang phát triển lại khiêm tốn hơn nhiều – trong đó Việt Nam thu hút được 17,3 tỷ USD.

Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) vừa công bố nghiên cứu về Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc cho thấy, cơ quan theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc (CGIT) đã đưa ra số liệu gần 560 tỷ USD của Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài trong 10 năm qua (số liệu Bộ Thương mại là hơn 581 tỷ USD).

Trong giai đoạn 5 năm đầu, đầu tư của Trung quốc ra nước ngoài tăng khá nhanh từ 10,1 tỷ năm 2005 lên 66,5 tỷ vào năm 2010. Giai đoạn 2011-2014 tăng chậm hơn từ 73,5 tỷ USD đến 84,4 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là các nước lớn và giàu có lại là những nước tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc nhiều nhất. Mười nước dẫn đầu tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc với hơn 317 tỷ USD, chiếm tới gần 57 %. Ba nước đầu tiên là Mỹ, Úc và Canada với lượng vốn tiếp nhận tương ứng là 78 tỷ USD; 62,9 tỷ USD và 41,1 tỷ USD, riêng Mỹ giữ kỷ lục năm thứ 3 dẫn đầu.  Indonesia là nước Đông Nam Á duy nhất lọt vào Top 10 nêu trên với 14,1 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc.

Trong khi đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lớn và nước giàu có, thì lĩnh vực hợp đồng xây dựng phân tán hơn với tổng giá trị là 432,5 tỷ USD. Giá trị các hợp đồng xây dựng với Trung Quốc của Top 10 nước có hợp đồng với Trung Quốc là hơn 170 tỷ USD trong 10 năm qua, con số này thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư của Top 10 nước tiếp nhận đầu tư trực tiếp. 

Nigieria là nước đứng đầu với giá trị các hợp đồng 21,3 tỷ USD, tiếp theo đó là Arap Saudi, Venezuela và Pakitstan lần lượt là 18,5 tỷ USD; 18,1 tỷ USD và 18 tỷ USD. Đông Nam Á có Việt Nam, Indonesia và Malaysia có mặt trong Top 10 nước này, trong đó Việt Nam đứng đầu trong 3 nước với 17,3 tỷ USD và đứng thứ 6 trong Top 10 nước có hợp đồng xây dựng với Trung Quốc.

Theo lĩnh vực hoạt động, năng lượng và điện năng là ngành có giá trị lớn nhất về cả đầu tư trực tiếp với 247,6 tỷ USD và hợp đồng xây dựng với 202,6 tỷ USD và cũng gặp nhiều khó khăn nhất với 89,3 tỷ USD.

Lĩnh vực kim khí đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp với 113,4 tỷ USD nhưng lại đứng thứ 4 về hợp đồng xây dựng với 16,7 tỷ USD. Đáng chú ý là lĩnh vực giao thông chỉ đứng thứ 6 về đầu tư với 28,3 tỷ USD, nhưng lại đứng thứ 2 về hợp đồng xây dựng với 125 tỷ USD. Cả hai lĩnh vực hóa chất và du lịch đều ở mức từ 4,5 đến 7 tỷ USD cho cả đầu tư trực tiếp và hợp đồng xây dựng.

Báo cáo cũng chỉ ra những trở ngại đối với đầu tư trực tiếp cũng như thực hiện các hợp đồng xây dựng ở nước ngoài là do tranh chấp pháp lý ở nước sở tại (Châu Phi) và những trừng phạt quốc tế chống Iran hay nội chiến ở Lybi. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình ở trong nước cũng đã tác động đến đầu tư ngành năng lượng ở nước ngoài.

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *