Quốc tế 15/12/2013 15:15

Trung Quốc không nghỉ ngày 30 Tết: Lý & tình

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2014 không gồm ngày 30 Tết âm lịch đã gây xôn xao dư luận.

 


Thực ra, việc điều chỉnh này không phải là mới, vì từ năm 1949 đến năm 2007, người dân Trung Quốc vẫn phải đi làm ngày 30 Tết. Kể từ năm 2007, chính phủ Trung Quốc mới điều chỉnh cho nghỉ làm ngày 30 Tết.

Chính phủ có những lý do chính đáng cho quyết định của mình. Hơn nữa chính phủ cũng điều chỉnh lịch nghỉ Tết, với kế hoạch làm bù vào các ngày cuối tuần của những tuần tiếp theo, để người dân có thể hưởng kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần.

Người lao động Trung Quốc cũng không bị thiệt thòi, khi tổng số ngày nghỉ lễ trong một năm của họ không vì thế mà bớt đi, vẫn là 11 ngày, bằng mức trung bình theo kết quả điều tra số ngày nghỉ lễ của 62 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Xét trên thực tế các năm trước, ít cơ quan doanh nghiệp nào bắt người lao động phải làm việc hết cả ngày cuối cùng của năm, dù đó là 29 hay 30 Tết, cho nên hầu như ai cũng chỉ ở công sở nửa ngày, hoàn thành các công việc mang tính thủ tục rồi nhanh chóng trở về nhà lo Tết.

Nhưng đấy là nói về lý. Còn về tình mà xét, rõ ràng không phải vô cớ có tới 82% dân chúng Trung Quốc thất vọng với quy định nghỉ Tết mới. Khi tất cả đã quen được nghỉ ngày 30 Tết, việc đột nhiên phải quay lại làm việc trong ngày này, tất nhiên không dễ chịu gì.

Lịch nghỉ Tết được công bố một tháng trước Tết cũng làm “lỡ làng” nhiều người đã lên kế hoạch cho dịp lễ đặc biệt này. Nhưng điều đáng nói nhất là tình cảnh của những công nhân viên chức xa quê, nhiều người trong số họ phải làm việc cách xa nhà hàng trăm cây số.

Những năm trước, được nghỉ ngày 30 Tết, việc trở về kịp bữa cơm tất niên cũng đã khiến nhiều người đau đầu, vì không dễ kiếm vé tàu xe vào những ngày giáp Tết, khi tất cả đều mong trở về nhà sau cả năm trời đằng đẵng kiếm kế sinh nhai. Nay nhà nước quy định ai ai cũng phải làm việc đến sát giờ cơm tối, sẽ rất nhiều người sẽ chẳng kịp về nhà đón giao thừa bên gia đình.

Một quy định mới bao giờ cũng phải mất thời gian để xã hội có thể thích nghi. Qua thực tế, rồi chắc chắn cũng sẽ có sự điều chỉnh, có thể về tâm lý của dân chúng, có thể từ phía những người hoạch định chính sách, để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Theo Phương Hà

Tiền Phong

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *