Quốc tế 31/01/2015 17:25

Trung Quốc: Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi

“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”, câu nói này đang trở nên đúng với tình trạng hiện tại của Trung Quốc hơn bao giờ hết, khi sự chững lại của quốc gia này trong năm qua đã báo hiệu cho cả thế giới thấy rằng Trung Quốc đã không còn là miền đất hứa hái ra tiền.

het-com-het-ruou_EYMS

Điều này đang đồng nghĩa với những hệ lụy nghiêm trọng đang đe dọa nền kinh tế số hai thế giới, trong số đó nghiêm trọng nhất phải kể đến xu hướng thoái vốn đầu tư nước ngoài từ một dòng suối đang dần dần trở thành một ngọn thác.

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc trên thực tế đã được dự báo trước khi nó chính thức xảy ra một khoảng thời gian không phải là ngắn. Từ những năm 2011, 2012 giới phân tích đã dự báo về một sự giảm dần tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sau khi đã đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn trước đó một vài năm.

Việc cường quốc kinh tế số hai thế giới đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 là 7,4% trong năm 2014 chỉ là sự kiện chính thức đánh dấu cho thực tế đó mà thôi. Quá trình dịch chuyển xu hướng đầu tư nước ngoài vì thế cũng đã bắt đầu từ trước đó khá lâu.

Theo thống kê mới nhất, tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho biết khoảng 63 tỷ USD đã được giới đầu tư rút ra khỏi Trung Quốc trong quý 3 năm 2014 và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây. Dòng chảy vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc là điều đã được báo trước khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, tổng cầu giảm trong khi các ưu thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi đầu tư từ phía chính quyền đã không còn thì gần như không còn gì có thể níu chân các nhà đầu tư quốc tế.

Giờ đây ở lại Trung Quốc ngày nào là thiệt hại ngày ấy, và phản ứng dây chuyền theo kiểu Domino đang thực sự diễn ra trong giới đầu tư nước ngoài, một người rút vốn sẽ dẫn tới sự rút vốn hàng loạt.

Đây được coi là thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế và chính phủ Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài là một trong những con át chủ bài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân Trung Quốc, nạn thất nghiệp thấp ở nước này trong những năm qua phần lớn là do hiệu suất đầu tư quốc tế vào Trung Quốc rất cao, trong khi các tập đoàn nhà nước chỉ giải quyết được một phần điều này.

Một khi các nhà đầu tư thoái vốn với tốc độ cao, thì một cú sốc kinh tế là điều không tránh khỏi, khi không chỉ ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm nghiêm trọng, mà tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội Trung Quốc sẽ tăng vọt.

Tình cảnh “Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi” có vẻ như đang ngày càng tồi tệ hơn khi dòng thoái vốn đang tiếp tục phình ra trong khi Bắc Kinh chỉ còn biết đứng nhìn. Ngân hàng Mỹ Corp ước tính dòng vốn các nhà đầu tư quốc tế rút ra khỏi Trung Quốc trong quý 4 năm 2014 đã lên tới 120 tỷ USD. Gần gấp đôi con số trong quý 3, một tốc độ kinh khủng và gần như không thể ngăn chặn. Và chỉ trong chưa đầy 3 tuần kể từ năm mới 2015, con số vốn rút khỏi Trung Quốc đã lên tới 21 tỷ USD.

Một phần trong số này là do chính sách duy trì mệnh giá đồng Nhân dân tệ thấp của Bắc Kinh, đây được xem là chiến lược quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc, nhưng giờ đây khi kinh tế đã chững lại và xuất khẩu suy giảm, thì việc đồng nội tệ có giá trị thấp đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo đồng tiền này để nắm giữ những đồng tiền mạnh hơn như USD. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD đã đạt mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái khi 1 USD = 6,2569 Nhân dân tệ.

Trong khi đó phản ứng của chính phủ Trung Quốc để giải quyết nguy cơ thoái vốn ngày càng tăng trên lại đang khiến giới phân tích quốc tế và học giả trong nước thất vọng. Gần như tất cả các dòng vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đều nằm trong giới tư nhân, thu hút một lượng lớn người lao động bản địa, và khoảng trống đầu tư thiếu hụt đang cần nhà nước bù đắp phần lớn là trong lĩnh vực này, nhưng gói kích thích kinh tế mới nhất trị giá 1,1 ngàn tỷ USD mà Bắc Kinh triển khai lại chủ yếu tạo điều kiện cho các tập đoàn quốc doanh.

Khá nhiều học giả Trung Quốc cho rằng chính phủ cần thúc đẩy đầu tư ở khu vực tư nhân để tạo việc làm cho số lao động đang thất nghiệp sau khi nhà đầu tư nước ngoài rút, chứ không phải tạo điều kiện cho các tập đoàn nhà nước vốn đang cần thu hẹp quy mô.

Không chỉ có khu vực tư nhân bị ảnh hưởng do kinh tế Trung Quốc chững lại, mà cả khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự. Quy mô của các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc đã phình lên một mức quá cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của nước này, và giờ đây nó đang lâm vào tình trạng quả bóng xì hơi.

Một số tập đoàn nhà nước cũng đang bắt đầu sa thải bớt công nhân viên để hợp lý hóa bộ máy và cân đối với khả năng kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đang ngày càng tăng, và hiện tại số người thất nghiệp ở nước này do bộ lao động và bảo hiểm xã hội công bố đã lên tới trên 10 triệu người.

Theo Nhàn Đàm

Một thế giới/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *