Quốc tế 10/01/2014 08:23

Trung Quốc đưa ra luật cấm đánh bắt mới trên Biển Đông với mưu đồ gì?

FICA - Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải nhận được sự đồng ý của giới chức trách địa phương nước này mới được đánh bắt hoặc khảo sát ở 2/3 Biển Đông từ ngày 1/1/2014. Động thái chắc chắn sẽ tạo ra những đối đầu mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng có chủ quyền trên Biển Đông.

 

Quy định ngạo ngược mới, nhưng không công bố rộng rãi

Lệnh mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, sau khi được giới chức chính quyền Hải Nam đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.

Theo những quy định mới mà chính quyền Hải Nam đưa ra, toàn bộ tàu cá nước ngoài đi vào vùng quản lý mới của Hải Nam trên Biển Đông, khu vực bao phủ 2/3 trong tổng số 1,5 triệu dặm vuông của Biển Đông, phải được sự đồng ý của giới chức trách Trung Quốc.

Biện pháp mới được đưa ra vào ngày 29/11 và được công bố trên báo chí nhà nước Trung Quốc vào ngày 3/12 năm ngoái nằm một phần trong chính sách củng cố luật ngư nghiệp của Trung Quốc.

Luật của Trung Quốc tuyên bố bất kỳ tàu nào vi phạm quy định về đánh bắt sẽ bị buộc phải ra khỏi khu vực, bị tịch thu đồ đánh bắt và bị phạt tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp tàu cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu bị khởi tố theo luật Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm rõ một tuyên bố pháp lý áp dụng với ngư trường mà nước này tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các quốc gia khác trong khu vực.

Nhưng quy định mới về đánh bắt của Trung Quốc trên Biển Đông đã không hề được công bố rộng rãi ở bên ngoài Trung Quốc.

Một tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã đâm một tàu cá của Việt Nam vào ngày 3/1 vừa qua, gần quần đảo Hoàng Sa trong vụ việc đầu tiên nước này áp dụng luật mới. Những người Trung Quốc đã dùng dùi cui điện khống chế các như dân và tịch thu mẻ cá 5 tấn cùng đồ nghề của họ.

Vấn đề chính ở đây là tự do hàng hải quốc tế và nỗ lực của Trung Quốc muốn chiếm và kiểm soát vùng biển vốn được biết là ngư trường dồi dào và giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt này.

Quy định mới Trung Quốc đưa ra giới hạn toàn bộ tàu nước ngoài đánh bắt trong khu vực bao phủ 2/3 Biển Đông.

Tháng trước, chính Trung Quốc cũng đã gây ra một “trận bão” quốc tế với Nhật, Philippines, Hàn Quốc và Mỹ khi đơn phương công bố vùng nhận dạng phòng không mới trên Hoa Đông. Nhật, Hàn, Mỹ đều không công nhận vùng này. Lầu Năm Góc phái 2 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân B-52 bay qua vùng này để thách thức tuyên bố của Trung Quốc.

Rồi sau đó, tháng trước, một tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ đã suýt va chạm với tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, gần đảo Hải Nam, khi tàu Mỹ đang theo dõi cuộc diễn tập hải quân của Trung Quốc.

Tại Manila, Philippines vào ngày 17/12 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ muốn những tranh chấp biển đảo trong khu vực được giải quyết một cách hòa bình, và ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhanh chóng đưa ra được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Ông Kerry cho rằng vùng phòng không ở Hoa Đông không nên được áp dụng và cảnh báo Trung Quốc “kìm chế có hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông”.

Báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin, do phản ứng mạnh mẽ của quốc tế đối với vùng phòng không trên Hoa Đông, Trung Quốc nhiều khả năng không tuyên bố vùng tương tự trên Biển Đông.

Trung Quốc có mưu đồ gì?

Song vùng cấm đánh bắt trên 2/3 Biển Đông được giới phân tích đánh giá là một mưu đồ khác của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này đối với vùng biển.

Giới phân tích cho rằng quy định đánh bắt mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ kéo cò cho những tranh chấp lớn hơn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. “Điều này rất nghiêm trọng, nhưng không phải là không dự đoán được”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và là chuyên gia về quan hệ với Trung Quốc John Tkacik nhận định.

John Tkacik cho rằng vùng hàng hải mới của Hải Nam có vẻ như là một phần trong chính sách của Trung Quốc nhằm dần dần thâu tóm kiểm soát ở khu vực. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã đơn phương tuyên bố toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là “đường chín đoạn” rất mơ hồ, bao phủ vùng biển mà Bắc Kinh gọi là vùng đặc quyền kinh tế.

“Bắc Kinh giờ đây đang bước lên trên sự mơ hồ trước đó, bằng đưa ra hình thức pháp lý của “đường chính đoạn”, để công bố một “biện pháp cấp tỉnh””, ông nhận định.

Tuyên bố về vùng đánh bắt mới của Hải Nam cũng có vẻ như nhằm để dần dần ép các nước Đông Nam Á, Nhật và Mỹ chấp nhận sự xâm lấn trên biển của Trung Quốc.

Nhà phân tích chỉ ra rằng, Việt Nam và Trung Quốc đã đụng độ về quân sự nhiều lần trong suốt 30 năm qua trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo nằm trong vùng đánh bắt mới của Hải Nam. Tàu Trung Quốc đã bắn 2 tàu cá Việt Nam vào năm 2005, khiến 9 người thiệt mạng.

Ngoài ra, tàu hải quân Trung Quốc cũng đã đối đầu với tàu Philippines trong tranh chấp bãi cạn Scarbourouh, cũng nằm trong vùng cấm đánh bắt mới của Hải Nam.

Trung Quốc còn uy hiếp các tàu thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở Biển Đông trong suốt 7 năm qua.

Biển Đông cũng là nơi xảy ra vụ đối đầu quân sự Mỹ-Trung vào ngày 5/12 khi một tàu đổ bộ hải quân Trung Quốc cắt qua trước mặt và dừng ngay trước mũi tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Cowpens của Mỹ có vài trăm mét. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Trung Quốc “vô trách nhiệm” trong vụ việc và cho rằng vụ việc có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn.

Chuyên gia Tkacik cho rằng các nước Đông Nam Á có thể thách thức vùng cấm đánh bắt mới của Trung Quốc qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

“Trung Quốc rõ ràng là đang coi thường công ước với tuyên bố này”, ông khẳng định.

Trung Quốc chắc chắn sẽ phản pháo với chỉ trích đối với vùng cấm đánh bắt mới bằng lý giải khu vực là do một chính quyền cấp tỉnh đưa ra, chứ thực chất không phải là chính sách quố gia. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ không bãi bỏ những quy định trên và có thể đưa ra những giới hạn đánh bắt tương tự ở Hoa Đông.

Nhân chuyện vùng cấm đánh bắt mới của Hải Nam, chuyên gia Tkacik cho rằng các nhà lập pháp Mỹ có vẻ như tin rằng hải quân Mỹ đủ khả năng duy trì và bảo vệ quyền trên biển của Mỹ theo luật quốc tế, mà không cần công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Ông viện dẫn là trong khi Nhật đã ký công ước, nhưng Mỹ không ký. “Khi hải quân Trung Quốc phát triển mạnh hơn, trong khi hải quân Mỹ lại bị thu hẹp lại, lựa chọn của Washington chỉ còn vài năm nữa”, ông nhận định. 

Ông cũng tỏ ra thất vọng khi cho rằng “không ai ở Washington hay Bộ ngoại giao hoặc Lầu Năm Góc đang nghĩ rằng thách thức này lại chỉ là trên một năm. Thật không may là Mỹ không còn nhà chiến lược biển thực sự nào.”

Vũ Quý

Theo Freebeacon

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *