Quốc tế 13/05/2014 17:13

Trung Quốc đang che dấu sự thật kinh hoàng về nợ xấu

Nợ xấu của Trung Quốc đã cao đến mức nào? Với việc tín dụng mở rộng ồ ạt trong 5 năm qua và kinh tế chậm lại gần đây, câu trả lời cho câu hỏi này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Một lý do khiến mọi người đặt ra câu hỏi trên là bởi các số liệu chính thức của Trung Quốc là quá thấp để có thể tin tưởng. Ngay cả khi tín dụng ở Trung Quốc bùng nổ với tỷ lệ dư nợ tín dụng khu vực tư nhân trên GDP tăng từ 104% trong năm 2008 lên 134% trong năm 2012, tỷ lệ nợ xấu được báo cáo của nước này chỉ là 1% - và con số này chỉ thay đổi rất ít trong vài năm qua.

Tình hình thực sự có thể kinh hoàng hơn nhiều, một báo cáo được Oxford Economics công bổ hôm 8/5 cho biết.

Tỷ lệ nợ xấu thực sự của Trung Quốc có thể nằm trong khoảng từ 10 đến 20%, tương đương từ 6 đến 12 tỷ nhân dân tệ (1 đến 1,9 nghìn tỷ USD), nhà kinh tế cao cấp Adam Slater nói.

“Vùng ước tính là hơi rộng, phản ảnh các biến số đáng kể”, Slater viết. “Nhưng thậm chí ở mức thấp nhất của vùng ước tính, quy mô tuyệt đối của nợ xấu cũng là rất lớn - trong khi ở mức cao, quy mô nợ xấu có thể so sánh với con số ở Mỹ tại thời điểm xảy ra khủng hoảng nợ dưới chuẩn”.

Slater đưa ra các ước tính cảnh báo của mình sau khi đã xem xét nhưng gì đã xảy ra tại chính Trung Quốc hồi cuối những năm 1990, giai đoạn mà nợ xấu của nước này cũng tăng chóng mặt. Ví dụ, khi Trung Quốc mở rộng tỷ lệ tín dụng trên GDP thêm 27 điểm phần trăm từ năm 1995 đến 1999, tỷ lệ nợ xấu đã tăng thêm 13 điểm phần trăm trong cùng thời kỳ. Và vào đầu những năm 2000, tỷ lệ nợ xấu của nước này đã đạt đến 30%.

Trong khi đó, Trung Quốc lại có một tỷ lệ tín dụng trên GDP thậm chí còn cao hơn trong những năm gần đây.

“Việc tỷ lệ nợ xấu (chính thức) không tăng lên trong giai đoạn bùng nổ tín dụng 2009 - 2013 là rất khó hiểu nếu đặt chúng bên cạnh những gì đã xảy ra trong thập kỷ 1990”, Slater viết.

Slater cũng xem xét một nhóm 33 nước khác từng trải qua giai đoạn bùng nổ tín dụng sau các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2008. Hầu hết các nước này đều có tỷ lệ nợ xấu ở mức đỉnh cao hơn nhiều so với con số chính thức mà Trung Quốc hiện công bố. Phần Lan trong những năm đầu của thập kỷ 1990 và Hy Lạp trong năm 2008 là một ví dụ, hai nước đều có tỷ lệ nợ xấu khoảng 15%. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia đạt tỷ lệ nợ xấu gấp hai lần mức đó vào cuối thập kỷ 1990.

“Một lần nữa, phân tích này chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ xấu chính thức hiện tại của Trung Quốc là thấp một cách dị thường”, Slater viết.

Nếu quả thực tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc hiện tại nằm trong khoảng từ 10 đến 20%, đó là một sự báo động: “Nợ xấu ở quy mô như vậy có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng ngân hàng trầm trọng ở Trung Quốc, với ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế khu vực và toàn cầu”. Đến lượt điều này lại có thể khiến “tăng trưởng GDP của Trung Quốc rơi về dưới 2% và tăng trưởng của thế giới… còn khoảng 1%”, Slater viết.

 

Theo Quang Huy

Đầu tư Chứng khoán/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *