Quốc tế 08/08/2019 17:22

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ về “các biện pháp trừng phạt ngược” nếu ngăn chặn Huawei ở quốc gia này

Trung Quốc đã nói với Ấn Độ rằng không nên ngăn chặn hoạt động kinh doanh của tập đoàn viễn thông Huawei tại nước này, cảnh báo rằng có thể sẽ có hậu quả đối với các công ty Ấn Độ hoạt động tại Trung Quốc.

 

“Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tổ chức các thử nghiệm để cài đặt mạng di động 5G thế hệ tiếp theo trong vài tháng tới, nhưng chưa có quyết định nào về việc họ có mời nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, Huawei tham gia hay không”, Bộ trưởng bộ thông tin Ấn Độ, Ravi Shankar Prasad cho biết.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, là trung tâm của cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã đưa công ty này vào danh sách đen vào tháng Năm, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Họ đã yêu cầu các đồng minh của mình không được sử dụng thiết bị của Huawei, vì lo ngại Trung Quốc có thể có các hoạt động gián điệp thông qua Huawei

Nhiều nguồn tin cho biết Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh, Vikram Misri, đã được gọi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 10 tháng 7 để nghe Trung Quốc bày tỏ mối lo ngại về chiến dịch của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng di động 5G trên toàn thế giới.

“Trong cuộc họp, các quan chức Trung Quốc cho biết có thể có các lệnh trừng phạt ngược lại đối với các công ty Ấn Độ tại Trung Quốc nếu Ấn Độ chặn Huawei vì áp lực từ Washington”, một trong những nguồn tin cho biết, trích dẫn từ cuộc họp của đại sứ.

Trả lời câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “Bắc Kinh hy vọng Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định một cách công bằng đối với nhà thầu 5G của Trung Quốc”.

Phát ngôn viên của Huawei cho biết, “Huawei đã có các hoạt động ở Ấn Độ trong một thời gian dài và có những đóng góp cho sự phát triển của xã hội cũng như nền kinh tế của Ấn Độ một cách rõ ràng.”

“Về vấn đề các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng công nghệ 5G tại Ấn Độ, chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ đưa ra quyết định độc lập và khách quan, và cung cấp một môi trường thương mại công bằng, chính đáng và không phân biệt đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, để cùng nhau đem lại lợi ích”,  Phát ngôn viên của Huawei nói thêm.

Theo đó, Nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Banks, một nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nói trong một thông báo ngắn rằng mạng 5G của Trung Quốc là một sự “vũ trang mạnh mẽ” nhắm vào hoạt động “giám sát và gián điệp”.

“Trung Quốc hiện đang tống tiền Ấn Độ, bắt quốc gia này sử dụng công nghệ của Huawei cho cơ sở hạ tầng 5G – một hành động không có giới hạn!” Nghị sĩ nói.

Các công ty Ấn Độ hiện có sự hiện diện ở Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Nhưng các công ty bao gồm Infosys, TCS, Reliance Industries và Mahindra & Mahindra hiện đang có chỗ đứng nhất định trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và gia công phần mềm tại Trung Quốc

Một xung đột lợi ích về Huawei có thể sẽ làm dấy lên lại căng thẳng trong mối quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc trong khi hai bên đang nỗ lực ở cấp cao để đảm bảo các tranh chấp lãnh thổ lâu dài của họ không leo thang.

Vào tháng 10, Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Varanasi của Ấn Độ, nơi hai nước dự kiến ​​sẽ giải quyết các vấn đề thương mại bao gồm thâm hụt thương mại 53 tỷ đô la vào năm 2018/19 mà Ấn Độ đang lo ngại.

Trong một bức thư viết cho thủ tướng Ấn Độ Modi tuần trước, Ashwani Mahajan, nhà kinh tế đứng đầu của quốc gia Ấn Độ giáo này, cho biết có những lo ngại về hoạt động của Huawei ở Ấn Độ.

“Chúng tôi là một quốc gia chưa chắc chắn sẽ phải dựa vào Huawei. Trên toàn cầu, các công ty Trung Quốc, bao gồm cả Huawei, đang phải đối mặt với các cáo buộc rằng họ đã thực hiện các dự án gián điệp để rình mò bí mật và cho phép họ các công ty này có thể ngừng các hoạt động từ xa nếu muốn” ông viết.

Bộ trưởng Prasad nói với quốc hội rằng hiện có sáu đề xuất nhà thầu đã được nhận cho các thử nghiệm công nghệ 5G tại Ấn Độ, bao gồm cả Huawei. Ông không nêu tên những công ty khác, nhưng các công ty như Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan và Samsung của Hàn Quốc sẽ tham gia.

“Chúng tôi có thể chỉ đơn giản là từ chối họ vì họ là người Trung Quốc”, Theo một quan chức của bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết.     

Thùy Dung

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *