Dòng chảy vốn 21/02/2014 09:15

Chuyên gia "bắt bệnh" vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy

Những ngày qua, thông tin về vết nứt dọc tại trụ H22, cầu Vĩnh Tuy khiến dư luận hết sức lo lắng. Để rộng đường dư luận, PV Báo Giao thông đã trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng giao thông.

Vết nứt kéo dài trên trụ H22 cầu Vĩnh Tuy
Vết nứt kéo dài trên trụ H22 cầu Vĩnh Tuy


Ông Phan Quốc Hiếu - Tổng Giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long:

Thi công tuân thủ quy trình, quy phạm

Trong quá trình triển khai thi công, nhà thầu đã tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy trình, quy phạm. Khi công trình hoàn thành được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu đầy đủ. Công trình được bàn giao khai thác từ năm 2009 và đã hết hạn bảo hành từ lâu.



Dù vậy, khi phát hiện vết nứt dọc tại trụ H22, Tổng công ty XD Thăng Long vẫn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường và thống nhất phương án thuê Cục Giám định Bộ Xây dựng, tư vấn độc lập và các chuyên gia đầu ngành về kiểm định để làm rõ nguyên nhân. Còn theo kết quả siêu âm ban đầu, những vết nứt trên là do co ngót bê tông từ biến và khả năng chịu lực của bê tông không ảnh hưởng gì.

PGS. TS Bùi Xuân Cậy - Trưởng Bộ môn Đường bộ, Trường ĐH GTVT Hà Nội:

Giám định cụ thể mới biết nguyên nhân

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, việc nứt trụ cầu Vĩnh Tuy rộng từ 2,3-2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m là do bê tông bị co ngót. Để xác định chính xác nguyên nhân có đúng với kết luận của Hà Nội hay không cần phải xem xét, giám định cụ thể. Nếu chỉ là nứt do bị co ngót bê tông thì không có gì nguy hiểm bởi nó không ảnh hưởng đến chất lượng công trình như: Khả năng chịu lực, khả năng chống thấm. Đây là tình trạng xảy ra đối với hầu hết công trình có kết cấu bê tông khác. Để khắc phục, chỉ cần bơm keo phủ kín vết nứt để bảo vệ kết cấu, nhất là cốt thép ở bên trong.
 


TS. Nguyễn Văn Nhân - Hội KHKT cầu đường VN:

Không loại trừ nguyên nhân do chịu lực

Thông thường nứt do co ngót chỉ xảy ra trong thời gian đầu mới đưa vào khai thác. Thực tế cầu Vĩnh Tuy đã đưa vào sử dụng từ năm 2009 nên cũng không thể loại trừ việc nứt do nguyên nhân từ chịu lực, hoặc chất lượng vật liệu tại vị trí này không đảm bảo cường độ. Quá trình thi công chỉ cần một chút sơ sẩy là cường độ không đảm bảo ngay và sau một thời gian khai thác, vị trí đó sẽ phá ra, gây nứt. Mặc dù vậy, tất cả điều này đều chỉ là giả định, còn để xác định chính xác thì phải kiểm định kỹ lưỡng.


Nếu là co ngót thì xử lý khá đơn giản. Nhưng nếu nguyên nhân từ chịu lực thì việc xử lý sẽ phức tạp hơn. Ngoài việc phun bê tông vào vết nứt phải gia cường thêm cường độ chịu lực.

Ông Hà Đình Cẩn - Nguyên Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh:

80% là do bị lún cọc

Khi Hà Nội cho rằng, cầu bị nứt do co ngót bê tông cần phải đặt câu hỏi tại sao nó không bị nứt từ những năm đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến 5 năm sau mới bị nứt? Và tại sao những trụ cầu khác không bị nứt mà chỉ có trụ đó bị nứt? Vì thế, theo tôi không thể đổ lỗi cho yếu tố khách quan và cho rằng như vậy là bình thường.



Về nguyên tắc, bê tông có nhiệm vụ bảo vệ kết cấu thép để các bó thép bên trong tạo thành một khối có sức chịu lực cao và không bị ô xi hóa. Đối với tình trạng nứt bê tông, theo tôi có mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất, do cọc lún không đều nên phát sinh lực kéo dẫn đến nứt bê tông. Điều này có thể do khi thi công, hạ cọc không đến được lớp cơ bản (lớp đá cuội). Theo nhận định của tôi, có đến 80% nguyên nhân ở đây. Thứ hai, do chất lượng kết cấu. Bê tông cường độ cao chịu lực tốt. Tuy nhiên, khi thi công có làm đúng loại bê tông đó hay không. Thứ ba, có thể do bị xói cục bộ. Nguyên nhân này xuất phát từ tình trạng khai thác cát rầm rộ trên sông Hồng thời gian qua làm ảnh hưởng đến trụ cầu.



Với công nghệ như hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng để xử lý những sự cố như trên. Thông thường người ta sẽ sử dụng keo Epoxy để bịt lại bảo vệ thép không bị gỉ.
 

Ngày 19/2, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra hiện trường và xác định nguyên nhân ban đầu của vết nứt của trụ H22 cầu Vĩnh Tuy. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vết nứt dọc trụ H22 nhiều khả năng là do co ngót bê tông, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn.


Theo Đức Thắng - Tiến Mạnh 

Báo GTVT

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *