Quốc tế 21/08/2015 11:00

Trung Quốc bơm 19 tỷ USD vào thị trường qua hợp đồng đáo hạn

Ngày 20/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm thêm 120 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19 tỷ USD vào các ngân hàng thương mại lớn và công ty môi giới thông qua các hợp đồng mua lại đáo hạn.

Đây là lần thứ hai trong tuần này PBoC bơm tiền vào thị trường theo hình thức các hợp đồng mua lại đáo hạn. Trước đó, ngày 18/8, BPoC đã bơm một lượng tiền mặt tương tự 120 tỷ nhân dân tệ vào thị trường và là lần bơm tiền trong ngày lớn nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1/2014.

Theo hợp đồng mua lại đáo hạn, PBoC mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn và các công ty môi giới với thỏa thuận sẽ bán lại trong tương lai. Đây là một biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt về ngắn hạn trên thị trường. 

Ngoài ra, PBoC ngày 19/8 cũng đã bơm 110 tỷ nhân dân tệ thông qua các cơ sở cho vay trung hạn. Đây là một biện pháp để các ngân hàng vay tiền của PBoC bằng cách dùng cổ phiếu thế chấp.

PBoC có các động thái trên trong bối cảnh khả năng thanh toán tiền mặt trên thị trường tiền tệ Trung Quốc gần đây khó khăn, mà một trong những nguyên nhân là do việc giá phá đồng nhân dân tệ.

Theo thông báo của PBoC, lãi suất của các hợp đồng mua lại đáo hạn 7 ngày ở mức 2,5%. Cùng ngày, lãi suất qua đêm liên ngân hàng Shanghai (Shibor) đã lên mức 1,83%, cao hơn so với mức 1,4% hồi cuối tháng 7 bất chấp các biện pháp nới lỏng của BPoC.

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 - chỉ đạt 7,4%, so với mức tăng trưởng 7,7% của năm 2013. Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu giảm đà tăng trưởng với tỷ lệ 7% trong hai quý đầu năm, bằng đúng mục tiêu đề ra cho cả năm. 

Để đạt được mục tiêu này, PBoC đã 4 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 11/2014. Trong năm 2015, ngân hàng này cũng đã 3 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

 

Theo Vietnamplus

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *