Quốc tế 13/05/2020 14:37

Trung Quốc áp thuế 80% lên bò Úc, lúa mạch

Chỉ trong vòng 2 ngày, Trung Quốc đã đưa ra thông báo áp thuế lên đến 80% với lúa mạch được nhập khẩu từ Úc và cấm cửa 4 công ty xuất khẩu thịt bò của nước này. Một số nhà phân tích cho rằng động thái này của Trung Quốc là để mở đường cho việc nhập khẩu nhiều lúa mạch và thịt bò hơn từ Mỹ nhằm đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

 

http://img.fica.vn/fica/images/2020/05/13/trung-quoc-ap-thue-80-len-bo-uc-lua-mach-0-20200513143902338.jpg

Thị trường Trung Quốc chiếm gần một nửa lượng lúa mạch xuất khẩu của Úc, trị giá 1,3 tỷ AUD. Ảnh: AFP.

Chỉ trong vài ngày, Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề vào cả ngành công nghiệp lúa mạch và thịt bò của Úc. Trung Quốc xác nhận có thể sẽ áp dụng mức thuế khủng khiếp hơn 80% đối với lúa mạch xuất khẩu từ Úc do các cáo buộc chống bán phá giá, đồng thời đình chỉ việc nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà máy chế biến thịt lớn ở Queensland và New South Wales.

Những hành động này đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang sử dụng thương mại cũng như vị thế chính trị của mình để trừng phạt Canberra vì đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus corona. Đây cũng có thể trở thành một động thái chiến lược của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng, những hạn chế đối với thịt bò và lúa mạch của Úc có thể mở đường cho Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hai sản phẩm nông nghiệp này từ Mỹ, nhằm đáp ứng nghĩa vụ mua bán theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong bối cảnh áp lực gia tăng từ phía Washington. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ trị giá 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và 19,5 tỷ USD vào năm 2021.

Đã từng có tiền lệ Trung Quốc sử dụng các yêu cầu kỹ thuật để ngăn chặn nhập khẩu từ những quốc gia có sự khác biệt chính trị. Vào tháng 3/2019, việc nhập khẩu cải dầu từ nhà xuất khẩu lớn nhất của Canada, Richardson International, đã bị chặn đứng sau khi các cán bộ hải quan Trung Quốc phát hiện ra “loài sâu gây hại” trong một lô hàng.

Có nhiều người tin rằng lệnh cấm này là để trả đũa việc chính phủ Canada thay mặt Mỹ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận điều này.

China suspends Australian beef imports as public spat over ...

Năm 2010, Trung Quốc cũng áp đặt các lệnh hạn chế nhập khẩu đối với cá hồi Na Uy ngay sau khi nhà hoạt động chính trị Lưu Hiểu Ba từng bị giam giữ được trao giải Nobel Hòa bình ở Oslo.

Vào hôm 12/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Úc là do vi phạm các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch được phát hiện bởi các quan chức hải quan.

Ông Triệu sau đó đã đưa ra lời giải thích về lập trường của Trung Quốc đối với cuộc điều tra nguồn gốc virus corona, đồng thời phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào với lệnh cấm nhập khẩu thịt bò.

Thuế xuất khẩu nông sản mà Úc phải chịu sẽ rất nặng nề, đặc biệt là khi thương vụ lúa mạch trị giá 1,3 tỷ AUD (tương đương 846 triệu USD) với Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng lúa mạch xuất khẩu của Úc.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Quốc gia Úc Fiona Simson “2/3 số nông sản của Úc được xuất khẩu. Gần 1/3 trong số đó, tương đương với 28% là được xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm 18% tổng sản lượng thịt bò và 49% lượng lúa mạch. Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với một loạt các mặt hàng bao gồm len, bông, ngũ cốc, sữa, hải sản và ngành trồng trọt.”

Chính phủ Úc khẳng định họ sẽ bảo vệ vị trí của mình thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới sau khi các công ty về ngũ cốc của nước này nhận được tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc (Mofcom) rằng sẽ áp thuế đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Úc do hậu quả của cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế đối kháng kéo dài 18 tháng. 

Ông Weihuan Zhou, luật sư kinh tế quốc tế thuộc Đại học Luật New South Wales cho biết quyết định áp thuế quan của Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý, mặc dù “trên cơ sở thân thiện hơn”, Trung Quốc có thể chọn việc theo đuổi vấn đề chống bán phá giá thông qua các nhóm ngành hoặc kênh ngoại giao. Ngoài ra, họ cũng có thể đã chọn áp dụng mức thuế thấp hơn thay vì chọn mức thuế cao hơn nhiều so với đề xuất ban đầu của các nhà điều tra. Trong một cuộc điều tra như vậy, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - Úc áp dụng quy định thuế quan bằng 0 đối với lúa mạch gần như không có tác dụng.

Trong khi ngành thương mại thịt bò Úc ít phụ thuộc vào Trung Quốc, chỉ chiếm 20% thì 300.000 tấn được xuất bán đến Trung Quốc vào năm ngoái lại chiếm phần lớn sinh kế của nhiều nông dân chăn nuôi bò cao cấp.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham và Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud tuyên bố “Chúng tôi sẽ làm việc với ngành công nghiệp và chính quyền ở cả Úc và Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp cho phép các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại càng sớm càng tốt.”

Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia Jeffrey Wilson cho rằng các động thái “ăn miếng trả miếng” đang nhen nhóm lên một cuộc chiến thương mại giữa hai nước, nhưng liệu tình hình có leo thang hay không phụ thuộc vào phản ứng từ phía Úc.

Luật sư Zhou từ Đại học New South Wales cũng nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra chống bán phá giá liên quan đến lúa mạch đã có từ lâu và đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lệnh cấm xuất khẩu thịt bò. Năm 2017, sáu nhà chế biến thịt cũng đã tạm thời bị đình chỉ vì các vấn đề tương tự.

Theo Giám đốc điều hành China Matters, Michael Clifton, nếu theo sát những phát biểu gần đây của đại sứ Trung Quốc, một số người gần như chắc chắn sẽ nhận thấy yếu tố trả đũa trong các thông báo về lúa mạch và thịt bò. “Không nghi ngờ gì nữa, Canberra sẽ có sự can thiệp cần thiết để giải quyết cả hai vấn đề. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Bắc Kinh chia sẻ sự nhiệt tình của Úc bằng một giải pháp ngoại giao kịp thời.”

Hương Vũ

Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *